Chi tiết tin

A+ | A | A-

Hiện trạng Chuyển đổi số trên thế giới năm 2021

Ngày đăng: 10:51 | 14/01/2022 Lượt xem: 522

Theo Teksystems, có 55% doanh nghiệp lãnh đạo về chuyển đổi số đã gia tăng mức đầu tư cho chuyển đổi số, 21% số doanh nghiệp giữ nguyên mức đầu tư và 24% là giảm mức chi tiêu cho công nghệ.

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến việc chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới (ảnh: Simplilearn)

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến việc chuyển đổi số của nhiều doanh nghiệp, tổ chức trên thế giới (ảnh: Simplilearn)

Đại dịch COVID-19 đã tác động đến mọi khía cạnh của xã hội. Doanh nghiệp, nhân viên và các bên liên quan bị giáng một đòn nặng nề, bất kể ngành nghề, lĩnh vực nào. Tuy nhiên, sự tác động của đại dịch là khác nhau giữa các tổ chức và có thể tóm tắt bằng môt nhận định của giáo sư Scott Gallaway, diễn giả và nhà dự báo công nghệ hàng đầu thế giới, tác giả cuốn sách best-seller “Thời kỳ hậu Corona”:

“Đầu tiên, tác động lâu dài nhất của đại dịch sẽ là động lực tăng tốc. Mặc dù nó sẽ khởi tạo một số thay đổi và làm đổi chiều một số xu hướng, nhưng tác động chính của đại dịch là đẩy nhanh các động lực sẵn có trong xã hội. Thứ hai, trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng có cơ hội; khủng hoảng càng mạnh cơ hội càng lớn.”

Khi xét về mặt Chuyển đổi số (CĐS) trong giới doanh nghiệp, tổ chức có hai loại:

1. Những doanh nghiệp lãnh đạo về CĐS (Digital Leader): những doanh nghiệp đi đầu trong việc tận dụng các công nghệ, sử dụng các đòn bẩy để tạo ra sự phát triển và cơ hội, mạnh dạn hành động và đầu tư vào các giải pháp kỹ thuật số khi đối mặt với sự gián đoạn (disruption) nhằm chuyển đổi doanh nghiệp của họ.

2. Những doang nghiệp tụt hậu về CĐS (Digital Laggar): được định nghĩa là những công ty chưa có kế hoạch dự kiến và các sáng kiến CĐS, chần chừ trong việc triển khai và đầu tư hạn chế.

Teksystems, một nhà cung cấp dịch vụ công nghệ toàn diện (full-stack technology services provider) đã thực hiện một cuộc khảo sát trực tuyến vào tháng 11 năm 2020 với 430 người ra quyết định kinh doanh và công nghệ. Những người được hỏi bao gồm các thành viên của ban lãnh đạo (C-level), giám đốc điều hành công ty, phó chủ tịch, giám đốc và người quản lý, những người có quyền ra quyết định cuối cùng hoặc ảnh hưởng đến nỗ lực chuyển đổi kỹ thuật số của tổ chức họ. Mẫu khảo sát bao gồm những người ra quyết định trong các chức năng CNTT và ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, 80% là những công ty thuộc Fortune 500. Kết quả của khảo sát này là “Báo cáo về hiện trạng Chuyển đổi số 2021” (“2021 state of Digital Transformation”), từ đây gọi tắt là Báo cáo, đã đưa ra một bức tranh về hiện trạng công cuộc CĐS của những công ty lớn (Fortune 500) hiện nay của Mỹ.

Theo Báo cáo, có 55% doanh nghiệp lãnh đạo về CĐS đã gia tăng mức đầu tư về CĐS, 21% số doanh nghiệp này giữ nguyên mức đầu tư và 24% là giảm mức chi tiêu cho công nghệ, trong khi có đến 58% doanh nghiệp tụt hậu đã giảm chi tiêu trong năm khó khăn 2020.

Hiện trạng Chuyển đổi số trên thế giới năm 2021 ảnh 1
Hình 1 (Nguồn: 2021 state of Digital Transformation - TEKsystems)

Tận dụng các công nghệ phù hợp cho phép chuyển đổi cho doanh nghiệp

Những doanh nghiệp lãnh đạo về CĐS tạo ra sự khác biệt và tạo ra lợi thế cạnh tranh rõ ràng bằng cách triển khai các công nghệ phù hợp vào đúng thời điểm với các chiến lược cụ thể để kích hoạt các mô hình kinh doanh mới.

Những doanh nghiệp lãnh đạo về CĐS có khả năng thực hiện, thúc đẩy các dự án bằng công nghệ cho phép các mô hình kinh doanh mới, như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu, di động, IoT và AI cao hơn 4 lần so với những doanh nghiệp tụt hậu.

Top 5 các dự án về CĐS theo Báo cáo: Tích hợp với các hệ thống khác hay kết nối với các hệ thống và phần mềm đã triển khai (chiếm 40% tổng các dự án CĐS), Hệ thống báo cáo phân tích kinh doanh thông minh (business intelligence) (40%), Bảo mật, an ninh thông tin (37%) Hệ thống phân tích dự báo (36%), Không gian làm việc ảo/Năng lực làm việc từ xa (34%).

Hiện trạng Chuyển đổi số trên thế giới năm 2021 ảnh 2
Hình 2 (Nguồn: 2021 state of Digital Transformation - TEKsystems)

Các dự án và giải pháp nhằm đạt được mục tiêu “Tầm nhìn Chuyển đổi số” của doanh nghiệp và tổ chức

Theo Báo cáo, 52% doanh nghiệp khảo sát có mục tiêu tập trung vào Cải thiện trải nghiệm và gắn kết với khách hàng, 41% các doanh nghiệp mong muốn tăng cường hiệu quả hoạt động, 37% thực hiện thay thế và năng cấp hệ thống CNTT cũ, 35% đẩy mạnh việc đưa nhanh sản phẩm và dịch vụ ra thị trường, tăng cường đổi mới cũng là một mục tiêu ưu tiên của 34% doanh nghiệp được khảo sát.

Hiện trạng Chuyển đổi số trên thế giới năm 2021 ảnh 3
Hình 3 (Nguồn: 2021 state of Digital Transformation - TEKsystems)

Các tổ chức cần nhanh chóng vượt qua những thách thức vẫn còn tồn tại trong năm 2021. Các mối quan tâm về an ninh và ràng buộc tuân thủ (compliance) đã chuyển sang mức độ quan ngại thứ 2 (hình 4) do lực lượng lao động ở xa (remote workforce) đang ngày càng chiếm ưu thế do tình hình dịch bệnh.

Hiện trạng Chuyển đổi số trên thế giới năm 2021 ảnh 4

Hình 4 (Nguồn: 2021 state of Digital Transformation - TEKsystems)

Chuyển đổi số phải hỗ trợ lực lượng lao động và các sáng kiến phát triển tài năng.

Gần 3/4 doanh nghiệp dự kiến ít nhất 50% lực lượng lao động của họ sẽ làm việc từ xa vào năm 2021. Với tư duy này, các doanh nghiệp cần phát triển lực lượng lao động kỹ thuật số phù hợp. Việc này không xảy ra trong một sớm một chiều.

44% doanh nghiệp tin rằng cần có những thay đổi rộng rãi về cơ cấu nhân tài để nỗ lực CĐS của họ thành công so với tỷ lệ 37% doanh nghiệp tin vào điều này năm 2020.

Những thách thức dài hạn của làm việc từ xa bao gồm duy trì văn hóa nhóm, kết nối với những người khác và xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa. Những thách thức về sức khỏe tâm thần cũng xảy ra với lực lượng lao động từ xa, và quá trình chuyển đổi phải hỗ trợ và giải quyết những mối quan tâm này của người lao động.

Cuộc khảo sát về hiện trạng CĐS của Teksystems đã đưa ra ba khuyến nghị chính giúp công cuộc CĐS thành công:

Lưu ý những nguy cơ: Công nghệ được triển khai trong đại dịch có thể không tuân thủ các chính sách về quyền riêng tư và bảo mật hoặc có thể không được tích hợp với các hệ thống khác (thách thức lớn thứ 2).

Ưu tiên các dự án cho phép các mô hình kinh doanh mới: Triển khai các công nghệ phù hợp sẽ đạt được kết quả mong muốn và thử nghiệm để có thể mở rộng trong toàn doanh nghiệp. Một phần của quá trình này bao gồm việc xác định các chỉ số phù hợp và đưa ra các quyết định dựa trên dữ liệu nhằm thực hiện thành công các dự án CĐS.

Đầu tư vào sự hội nhập và đa dạng: Chấp nhận và tận dụng sự khác biệt để tạo cơ hội hành động cho lực lượng lao động của bạn. Điều này bao gồm việc xây dựng một môi trường hội nhập cho phép nhân viên của bạn phát triển, cũng như nuôi dưỡng một nền văn hóa chấp nhận sự thay đổi và linh hoạt.

Ngoài ra, Jay Alvather, Chủ tịch Teksystems cho rằng: "Để giải quyết những thách thức và vạch ra con đường thành công trong hành trình CĐS, các doanh nghiệp phải có khả năng xoay chuyển nhanh chóng khi đối mặt với nghịch cảnh, tăng cường năng lực của lực lượng lao động và xây dựng một môi trường hỗ trợ hội nhập và đa dạng. Cần phải thực hiện tất cả điều này trong khi tiếp tục tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng của họ".

Nguồn tin: https://viettimes.vn/

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: