Chi tiết tin

A+ | A | A-

Thanh Hóa: Đi đầu trong chuyển đổi số

Ngày đăng: 15:26 | 20/09/2023 Lượt xem: 127

Với tiềm lực mạnh về kinh tế cùng sự quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, TP Thanh Hóa vươn lên đứng đầu 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về xếp hạng mức độ chuyển đổi số (CĐS).

 

trung-tam-giam-sat-dieu-hanh-thong-minh-tinh-thanh-hoa.jpg 

Trong 34 phường, xã của thành phố, Điện Biên xếp thứ nhất bảng xếp hạng mức độ CĐS với 818,66 điểm. Đạt được kết quả này, phường Điện Biên đã tập trung CĐS một cách đồng bộ và mạnh mẽ. Để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, UBND phường khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm chuyên ngành, phần mềm dùng chung của Trung ương và của tỉnh; 100% các văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử. Để hình thành những công dân số, hạ tầng mạng băng thông rộng cáp quang, mạng thông tin di động 4G, 5G được phủ sóng tới 100% cơ quan, tổ chức, hộ gia đình. Phường cũng lắp đặt hệ thống Wifi công cộng tại công sở phường, công an, trạm y tế, trường học và các nhà văn hóa phố để phục vụ Nhân dân truy cập miễn phí. Ông Lê Đình Mão, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Điện Biên cho biết: “Hiện nay, tất cả các trường học, trạm y tế, doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường đều sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử thay cho việc sử dụng biên lai giấy. Mô hình “Chợ 4.0” đầu tiên của thành phố cũng được hình thành ở Điện Biên, đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu của người dân. Năm 2023, Điện Biên là phường đầu tiên của thành phố và là 1 trong 5 địa phương đầu tiên của cả tỉnh triển khai mô hình “3 không”: Không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công; không dùng tiền mặt trong một số các dịch vụ thiết yếu; không cần tiếp xúc trực tiếp với chính quyền nhằm tạo dựng bước tiến mới trong CĐS”.

Thực hiện Đề án “Xây dựng TP Thanh Hóa đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh”, thành phố đã quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin tương đối đồng bộ. Hiện nay, các trang thiết bị và hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố và các phường, xã bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định, thông suốt. 100% các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố được kết nối, sử dụng hệ thống TD-Office phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; 100% cán bộ, công chức thực hiện tiếp nhận, luân chuyển, xử lý văn bản đi, văn bản đến, trình duyệt, ký số, phát hành văn bản trên phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; 100% văn bản và hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng. Tỷ lệ văn bản được ký số đạt 100%, giúp cho hoạt động của các đơn vị nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí.

Để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, thành phố đẩy mạnh thực hiện Đề án đổi mới cơ chế “một cửa”, “một cửa” liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Tại UBND thành phố, trên 90% hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC được số hóa, chỉ còn hồ sơ liên quan đến TTHC thuộc Phòng Quản lý đô thị chưa thực hiện số hóa thành phần hồ sơ nhưng đã thực hiện số hóa kết quả giải quyết. Tại UBND các phường, xã, 100% hồ sơ đã được thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC.

Nhằm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt và thúc đẩy thanh toán điện tử trong Nhân dân, thành phố phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử trong giải quyết TTHC, mua bán trực tuyến, thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền học phí, khám chữa bệnh... Từ mô hình điểm ở Điện Biên, các phường Trường Thi, Đông Vệ, Đông Sơn, Quảng Thắng đã xây dựng mô hình “Chợ 4.0”, hướng dẫn các hộ tiểu thương cách tạo mã QR code và hướng dẫn người dân cách thanh toán không dùng tiền mặt bằng Smart banking, Mobile money. Cùng với đó, thành phố và các phường, xã đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, các hộ kinh doanh chuyển đổi sang sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số. Tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm vào sản xuất, kinh doanh; tạo lập các trang facebook, zalo... để quảng bá, giới thiệu, cung cấp thông tin sản phẩm nhằm mở rộng thị trường; hỗ trợ đưa 28 sản phẩm của thành phố lên Cổng kết nối cung cầu tỉnh Thanh Hóa và được dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Các ứng dụng phục vụ xã hội số cũng được đẩy mạnh thực hiện. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố đã xây dựng các video bài giảng trực tuyến đưa vào kho dữ liệu dùng chung toàn ngành phục vụ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học. Triển khai các phần mềm trong hệ sinh thái giáo dục thông minh như thẻ điểm danh thông minh, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục, thanh toán học phí qua VNPT Pay. Các nhà trường cũng cài đặt các ứng dụng vnEdu Teacher, vnEdu Connect để hỗ trợ giáo viên, phụ huynh cập nhật thông tin, thúc đẩy sự tương tác giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Hiện nay thành phố có 124/151 trường sử dụng vnEdu Teacher để điều hành công việc (đạt 82,1%); 118/151 trường sử dụng sổ liên lạc điện tử (đạt 78,14%). Trong lĩnh vực y tế, Bệnh viện đa khoa thành phố đã triển khai sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh thay thế thẻ BHYT; triển khai thanh toán phí dịch vụ y tế không dùng tiền mặt và hóa đơn điện tử. Công tác tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân trên địa bàn thành phố đạt trên 95%. Công an TP Thanh Hóa và các tổ công nghệ số cộng đồng cũng tổ chức hướng dẫn Nhân dân đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh mức độ 1, mức độ 2; tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân sử dụng tài khoản định danh điện tử trong thực hiện TTHC và các tiện ích khác trên ứng dụng VneID. Công an thành phố, UBND các phường, xã lắp đặt hơn 18.000 mắt camera giám sát an ninh trật tự, phủ kín ở các tuyến đường chính, các khu vực, địa bàn trọng điểm.

Năm 2022, thành phố có 10 phường, xã hoàn thành nhiệm vụ CĐS. Năm 2023, có 9 phường, xã đăng ký hoàn thành CĐS và 1 đơn vị phấn đấu hoàn thành vượt kế hoạch là phường Quảng Thắng. Khắc phục những khó khăn, tồn tại, TP Thanh Hóa tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, hướng tới xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh vào năm 2025.

 

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: