Chi tiết tin

A+ | A | A-

Tam Kỳ ứng dụng chuyển đổi số xây dựng đô thị thông minh

Ngày đăng: 16:10 | 11/06/2024 Lượt xem: 136

Hành trình dựng xây đô thị thông minh, bên cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, các dự án chuyển đổi số cũng đang đồng loạt được triển khai tại TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam).

 

Từ camera an ninh 24/7

Một hệ thống camera giám sát giao thông và hệ thống giám sát, cảnh báo ngập lụt… vừa được Tam Kỳ triển khai, nằm trong Trung tâm Điều hành đô thị thông minh.

Có tất cả 60 điểm camera giao thông thông minh, lắp đặt tại điểm giao nhau trên các trục đường chính. Mỗi điểm có 5 camera, độ phân giải cao nhằm ghi nhận hoạt động 24/7.

Đây là một trong những hạng mục hướng tới xây dựng đô thị thông minh của Tam Kỳ, với tổng mức đầu tư cho mục tiêu này là hơn 231 tỷ đồng.

Một điều quan trọng, TP.Tam Kỳ đã đưa ra các cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành…cũng như tập trung nhiều giải pháp cho vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt, tuyến phố không dùng tiền mặt hay như “Chợ 4.0”…

Quy hoạch Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đặt mục tiêu Quảng Nam là tỉnh có hạ tầng số hiện đại và dữ liệu số đồng bộ, hoàn chỉnh, mạng 4G/5G phủ sóng 100% các địa phương, tạo nền tảng để phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

 

Ngay tại chợ Tam Kỳ, các tiểu thương đã quen dần với việc thanh toán không tiền mặt. Ví như 2 năm trước, việc quét mã QR khi thanh toán các loại hàng hóa là điều xa lạ, thì ngay bây giờ việc đó đã xuất hiện dày đặc, thậm chí trở thành thói quen của từng người bán và người mua.

Bà Nguyễn Liên - 60 tuổi, tiểu thương tại chợ Tam Kỳ, chia sẻ, từ tháng 3/2022, chính quyền bắt đầu triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ. Những ngày đầu, hầu như ít người quan tâm đến việc chuyển khoản, mọi người đa số dùng tiền mặt.

“Sau 2 năm, đến bây giờ, việc chuyển khoản khi mua hàng ngày một nhiều. Khách mua hàng ít sử dụng tiền mặt hơn. Đây là điều thay đổi nhiều nhất bản thân tôi nhìn thấy được khi áp dụng chuyển đổi số vào cuộc sống” - bà Liên nói.

Anh Hoàng Xuân Hà (trú phường An Sơn, TP.Tam Kỳ) nhìn nhận, thanh toán hàng hóa không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế với mọi người.

“Cách đây 3 năm, bản thân tôi ra chợ, mua mặt hàng chuyển khoản khá khó khăn. Nhưng mọi thứ hiện tại dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ cần bật app, quét mã QR, nhập số tiền và ấn gửi. Mọi thứ hoàn thành. Một số chủ cửa hàng có máy in sẵn mã QR tương đương với số tiền phải trả, khách không cần nhập số tiền đó” - anh Hà chia sẻ.

Việc đi lại với người dân Tam Kỳ ngày càng an toàn hơn khi camera “giăng kín lối”. Hầu như mọi ngõ ngách đều có camera an ninh. Người dân Tam Kỳ nói, từ đây, an ninh trật tự được đảm bảo.

Điển hình nhất, tại các ngã tư đường nội thị, hầu hết đều có camera 4 hướng. Công cụ này giúp chính quyền dễ dàng giám sát giao thông, an toàn xã hội.

Tam Kỳ ứng dụng chuyển đổi số xây dựng đô thị thông minh- Ảnh 1.

Tam Kỳ đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng, tiến tới đô thị thông minh.

Phát triển nền tảng dữ liệu

Một nét đặc trưng mới trong việc định danh “thành phố chuyển đổi số” của Tam Kỳ, chính là các mã QR gắn dưới biển hiệu tên đường. Đây là một điều mới trên những tuyến phố thông minh của đô thị này.

Tam Kỳ đặt tên cho dự án này là “số hóa tên đường”. Người dân, du khách dễ dàng tìm hiểu tên mỗi cung đường ngay trên chiếc điện thoại thông qua mã QR.

Anh Lê Khánh (phường An Sơn) cảm thấy thú vị sau khi quét mã QR trên đường Lê Lợi. Thông tin vị trí, tóm lược thân thế, sự nghiệp của anh hùng lịch sử này được trình bày trên màn hình điện thoại, tích hợp đồng thời tiếng Việt và tiếng Anh.

Theo anh Khánh, dự án số hóa tên đường này giúp người dân, du khách tiếp cận được thông tin dễ dàng, cô đọng, không rườm rà. Đặc biệt, các bạn trẻ cũng sẽ nắm thêm về lịch sử dân tộc thông qua các giới thiệu này.

Lãnh đạo UBND TP.Tam Kỳ cho biết, địa phương thực hiện số hóa tên đường nhằm hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu, đặc biệt số hóa trong lĩnh vực lưu trữ, giáo dục lịch sử theo hướng hiện đại.

Du khách chỉ cần có điện thoại di động, quét mã QR, mọi thông tin về tên đường như ngày sinh, ngày mất, tóm tắt cuộc đời, sự nghiệp hoặc ý nghĩa sự kiện, định danh của tên đường sẽ được hiện lên màn hình. Việc này giúp người dân cũng như du khách dễ dàng tìm hiểu thông tin về tên từng cung đường.

Tam Kỳ cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai thư viện số. Ông Võ Văn Thiên - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT và truyền thông TP.Tam Kỳ thông tin, hiện thư viện thành phố trang bị 10 máy tính bảng đặt sẵn cho người dùng trải nghiệm với hơn 10.000 đầu sách được tích hợp trong từng thiết bị.

Người dùng chỉ cần đăng ký một tài khoản, sau đó đăng nhập ứng dụng dành cho thành viên để đọc. Nhiều lĩnh vực được chọn lựa như sách thiếu nhi, tiểu thuyết, lịch sử…

Cũng theo lãnh đạo UBND TP.Tam Kỳ, để xây dựng đô thị thông minh, cần phát triển nền tảng dữ liệu. Khâu này sẽ giúp áp dụng vào công tác lập, quản lý quy hoạch đô thị phức hợp thông minh. Từ đó, chính quyền dễ dàng nâng cao năng lực giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong năm 2024, Tam Kỳ sẽ triển khai việc xây dựng Trung tâm điều hành và lắp đặt trang thiết bị dịch vụ thí điểm. Tổ chức các hội thảo kiểm tra công tác vận hành cũng như quảng bá dịch vụ thí điểm…

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: