Quang cảnh buổi kiểm tra.
Theo báo cáo, công tác CCHC và chuyển đổi số đã được Đảng ủy sở, Ban Giám đốc sở VH-TT&DL thường xuyên chỉ đạo thực hiện, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong đội ngũ công chức, viên chức, người lao động.
Sở đã thành lập Ban điều hành, Tổ giúp việc, nhờ đó đã hình thành đội ngũ đầu mối thực hiện cải cách hành chính ở mỗi phòng, đơn vị; các nội dung về cải cách hành chính và chuyển đổi số được triển khai thực hiện đồng bộ; kế hoạch cải cách hành chính được xây dựng căn cứ theo Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy và Quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh hằng năm.
Tổng số các TTHC của sở thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông là 126 TTHC. Các TTHC được niêm yết công khai tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; Cổng thông tin Dịch vụ công Quốc gia và trên Cổng thông tin điện tử của sở; 126 thủ tục dịch vụ công đã được cung cấp trực tuyến mức 4 giúp cho người dân và doanh nghiệp tiện kiểm tra, theo dõi và khai thác. Tất cả các khoản thu phí và lệ phí đều được công bố công khai và cập nhật thường xuyên và đầy đủ; công tác thanh, kiểm tra việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của sở được tiến hành nghiêm túc. Cử người tiếp nhận và luân chuyển, giao trả hồ sơ hằng ngày và đã triển khai Đề án thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ hành chính công qua dịch vụ Bưu chính công ích; ký kết hợp đồng thỏa thuận hợp tác cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua hệ thống bưu điện bàn giao 100% thủ tục hành chính của sở qua Bưu điện tiếp nhận và trả kết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh…
9 tháng đầu năm, sở đã tiếp nhận, giải quyết 372 hồ sơ các loại, trong đó có 342 hồ sơ trực tuyến - đạt tỷ lệ 91,9%; đến nay đã giải quyết 367 hồ sơ, đang giải quyết 5 hồ sơ đảm bảo đúng thời gian quy định.
Triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 01/3/2022 của UBND tỉnh về tháng cao điểm giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đối với một số thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công mức độ 3,4 thì sở thực hiện luân chuyển toàn bộ hồ sơ qua môi trường mạng internet; sở đã triển khai tích hợp 126 TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Các phòng, ban, đơn vị thuộc sở thực hiện việc sử dụng và vận hành các phần mềm Q-office, phần mềm quản lý số liệu chuyên ngành, phần mềm quản lý cán bộ công chức, phần mềm dịch vụ công trực tuyến, phần mềm kế toán hành chính sự nghiệp mới và được nâng cấp thường xuyên hằng năm. Triển khai phần mềm quản lý CSDL di sản, di tích trên địa bàn tỉnh.
Các phòng, ban, đơn vị sử dụng thư điện tử để trao đổi thông tin phục vụ trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ giúp cho việc chỉ đạo, quản lý và điều hành của lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị. Sở đã xây dựng phần mềm Du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, đến nay đã khai trương và đang tiếp tục hoàn thiện các nội dung.
Đối với chữ ký số chuyên dùng, đến nay đã triển khai ứng dụng có hiệu quả đối với các văn bản đi của sở trên môi trường mạng. Cổng thông tin điện tử sở (website) hoạt động ổn định, nội dung thông tin phong phú, nâng cao được chất lượng tin bài viết về các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch của ngành.
Sau khi nghe các ý kiến góp ý của thành viên trong đoàn, Phó Giám đốc Sở TT-TT Phạm Thị Ngọc Quyên đề nghị Sở VH-TT&DL cần tiến hành rà soát, đánh giá lại toàn bộ TTHC để kịp thời bổ sung theo bộ tiêu chí về CCHC mới; tiếp thu các ý kiến đóng góp để có sự điều chỉnh phù hợp nhằm giúp triển khia thực hiện công tác CCHC và chuyển đổi số trong thời gian tới đạt nhiều hiệu quả hơn. Đồng thời cần nghiên cứu kế hoạch kiểm soát TTHC của tỉnh, tiến hành giao chỉ tiêu cho các bộ phận để bổ sung thêm hồ sơ, văn bản,…
“ Cạnh đó, tỉnh cũng đang tập trung cải thiện lại các tính năng phù hợp của các phần mền dùng chung trên toàn tỉnh, các ý kiến, đề xuất của sở, đoàn công tác sẽ tham mưu báo cáo UBND tỉnh để có hướng giải quyết phù hợp nhất” Phó Giám đốc Sở TT-TT, cho biết thêm.