Ảnh minh họa
Lần thứ nhất: Thông qua mạng xã hội, ông N.V.T.M tham gia đầu tư trên sàn tiền ảo nhiều lần với tổng số tiền là 43.655.552 (bốn mươi ba triệu sáu trăm năm mươi lăm nghìn, năm trăm năm mươi hai đồng). Trong đó, 02 lần đầu nạp tiền ông M được trả lợi nhuận, lần nạp tiền thứ 3, 4 không rút được tiền nên ông M biết bản thân đã bị lừa đảo.
Lần thứ hai: Thông qua mạng xã hội Facebook, ông N.V.T.M tiếp cận thông tin tài khoản Facebook “Công ty luật Hợp Danh The Light” đăng thông tin nhận lấy lại tiền lừa đảo nên ông M trao đổi nội dung và chuyển khoản tổng cộng 04 lần với số tiền 113.198.769đ (một trăm mười ba triệu một trăm chín mươi tám nghìn bảy trăm sáu mươi chín đồng) cho đối tượng nhằm lấy lại số tiền bị lừa đảo lần đầu. Tuy nhiên sau khi nộp tiền nhiều lần, đối tượng yêu cầu nộp thêm tiền để được nhận lại tiền đã mất. Biết bản thân tiếp tục bị kẻ xấu mạo danh tài khoản mạng xã hội để lừa đảo nên ông M. đã gửi đơn trình báo tới cơ quan Công an.
Đây là hình thức “lừa đảo chồng lừa đảo”, lợi dụng tâm lý mong muốn lấy lại tiền đã mất của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo tiếp tục lừa nạn nhân thêm một lần nữa để chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng giả danh là các công ty luật, các cơ quan chức năng có thể lấy lại được đã bị lừa. Thậm chí đối tượng còn mạo danh: “Cục An ninh mạng đang khám phá một đường dây lừa đảo”, thông báo cho mọi người ai bị lừa thì liên hệ nộp hồ sơ để lấy lại tiền ... và sau đó bị lừa tiếp một lần nữa.
Cơ quan Công an thông báo và khuyến cáo người dân cần thận trọng với các kiểu lừa đảo như trên. Khi phát hiện mình bị lừa đảo thì hãy đến trình báo với cơ quan công an nơi gần nhất để điều tra xử lý, tránh tình trạng nghe theo các đối tượng trên mạng để rồi bị “lừa đảo chồng lừa đảo”.