Chi tiết tin

A+ | A | A-

Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới có tính đột phá để giúp rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam

Ngày đăng: 14:33 | 16/06/2023 Lượt xem: 136

Chuyển đổi số là phương thức phát triển mới có tính đột phá để giúp rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong bài phát biểu tại Phiên toàn thể Diễn đàn cấp cao về công nghiệp 4.0 năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tạo đột phá rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, diễn ra chiều ngày 14/6/2023 tại Hà Nội.

Cổng Thông tin điện tử Bộ Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

 

Kính thưa đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trịThủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Kính thưa đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương;

Kính thưa các quý vị đại biểu trong nước và quốc tế;

Thưa các đồng chí và các bạn!

Tri thức mới thì tạo ra công nghệ mới. Công nghệ mới thì tạo ra công nghiệp mới và dẫn tới công nghiệp hoá. Công nghiệp mới thì tạo ra kinh tế mới. Kinh tế mới thì tạo ra xã hội mới. Kinh tế mới và xã hội mới thì dẫn tới hiện đại hoá. Như vậy, công nghiệp hoá (CNH), hiện đại hoá (HĐH) luôn gắn với các tri thức và công nghệ mới. Tức là gắn với các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) mới.

CNH-HĐH-20230616.png

Đi qua 3 cuộc CMCN, CNH, HĐH đã từng có nội hàm cơ khí hoá, điện khí hoá và IT hoá, tự động hoá. Ngày nay, CNH, HĐH gắn với cuộc CMCN lần thứ tư, có nội hàm chuyển đổi số. Chuyển đổi số là cốt lõi của CNH, HĐH. Công nghệ số (CNS) và chuyển đổi số (CĐS) làm thay đổi căn bản phương thức sản xuất, mô hình phát triển.

Mỗi nước rồi cũng phải đi con đường riêng của mình để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cũng chưa có mô hình nào mà có từ 2 nước trở lên thành công. CNH, HĐH Việt Nam thì phải đi con đường Việt Nam, dựa trên bối cảnh văn hoá, trình độ phát triển, chế độ, tố chất con người và những bài toán Việt Nam.

Để tìm ra con đường Việt Nam về CHN, HĐH thì phải có góc nhìn riêng, độc đáo về CNH, HĐH trong bối cảnh CMCN lần thứ tư. Bài phát biểu này là nói đến một số góc nhìn riêng.

Về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

CMCN lần thứ tư thì có đến 50% là các công nghệ số, 50% các công nghệ còn lại thì lại dựa trên công nghệ số để phát triển. Bởi vậy mà nhiều người coi CMCN lần thứ tư là cuộc cách mạng công nghệ số. Công nghệ số thì hợp với người Việt Nam. Việt Nam cũng có rất nhiều doanh nghiệp công nghệ số xuất sắc. Đó là lợi thế Việt Nam để đẩy nhanh CNH, HĐH.

2_1.png

Các cuộc CMCN trước đây thì nói đến máy móc thay lao động chân tay. Lao động chân tay là cái có tính vật chất. Vật chất thì hữu hạn. Máy móc có thể thay thế cái hữu hạn và vì thế mà có thể lấy mất việc làm.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì nói đến máy móc thay lao động trí óc, nói đến thông minh hoá, nói đến trí tuệ nhân tạo. Trí óc, trí tuệ là cái phi vật chất, là cái vô hạn. Máy móc chỉ thay được một phần hữu hạn của trí tuệ con người, nó giải phóng con người khỏi những việc lặp đi lặp lại, nặng nề và nhàm chán, và do vậy, nó giúp trí não của mỗi con người khai phá được nhiều hơn phần vô hạn của trí tuệ chứ không thay thế.

Nếu chúng ta phát triển một nền tảng số chứa những tri thức căn bản để hỗ trợ mỗi người dân, thí dụ như trợ lý ảo, thì sức mạnh của 100 triệu người Việt Nam sẽ gấp bội. Như vậy, CMCN lần thứ tư là trao thêm quyền năng cho con người thay vì thay thế con người. Nếu hiểu theo nghĩa này thì cuộc CMCN lần thư tư là cuộc cách mạng về trao thêm quyền năng cho toàn dân. Là một cuộc cách mạng toàn dân. Mà Việt Nam chúng ta, chế độ chúng ta lại rất mạnh về những gì mang tính cách mạng toàn dân.

3.png

Các cuộc CMCN trước đây thì công nghệ nguồn và sản phẩm đi liền với nhau. Các nước đã phát triển bán sản phẩm chứ không bán công nghệ nguồn. Các nước đang phát triển chỉ dừng lại là người sử dụng, rất ít cơ hội trở thành người phát triển công nghệ.

Nhưng công nghệ 4.0, thí dụ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, lại tách khỏi sản phẩm và được cung cấp dưới dạng dịch vụ với giá rất rẻ. Người dùng sử dụng công nghệ nguồn này để phát triển thành sản phẩm và bán sản phẩm với giá cao hơn rất nhiều so với giá thuê dịch vụ công nghệ. Điều này tạo ra cơ hội cho các nước đang phát triển tham gia vào quá trình sáng tạo, phát triển sản phẩm, giải quyết các bài toán mang tính ngữ cảnh địa phương để vừa phát triển đất nước, vừa tham gia quá trình làm chủ công nghệ. Bởi vậy mà xuất hiện một thành tố rất quan trọng của hạ tầng số là cung cấp công nghệ dưới dạng dịch vụ. Các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, rồi đến từng cá nhân đều có thể sở hữu công nghệ cao để sáng tạo ra sản phẩm của mình.

Như vậy, cách mạng công nghệ 4.0 là cuộc cách mạng về phát hiện vấn đề và nhu cầu. Các cuộc CMCN trước đây thì đầu tư là quan trọng, phát triển công nghệ nền là quan trọng. CMCN 4.0 thì phát hiện nhu cầu, phát hiện vấn đề là quan trọng. Công nghệ nền gần như đã có sẵn để giúp giải quyết các nhu cầu. Các cuộc CMCN trước đây, ai nhiều tiền, nhiều công nghệ, nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao thì người đó hưởng lợi chính. CMCN 4.0 thì ai nhiều vấn đề, nhiều nhu cầu thì người đó hưởng lợi, nhưng phải là chính mình phát triển sản phẩm để giải quyết vấn đề, chứ không phải là người khác. Việt Nam là nước thu nhập trung bình thấp, có khát vọng vươn lên, có rất nhiều nhu cầu và vấn đề thì đó là lợi thế Việt Nam.

Nhưng để ứng dụng công nghệ mới, mô hình mới thì phải thay đổi thể chế. Vì thế mà CMCN lần thứ tư là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Nhưng thể chế lại là do con người. Vậy nên, phát triển hay không lại là do dám hay không dám thay đổi.

Về chuyển đổi số

Chuyển đổi số là một sự hội tụ lớn.

CNH là CĐS lĩnh vực sản xuất, là sản xuất thông minh. Công nghiệp hoá được thúc đẩy và hỗ trợ bởi công nghệ số, CĐS trở thành đặc trưng cơ bản của CNH.

HĐH là CĐS toàn diện và toàn dân trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, chính trị và môi trường.

4.png

Chuyển đổi số tạo ra là kinh tế tri thức - là kinh tế sốKinh tế số là hình thái kinh tế chủ yếu sau kinh tế nông nghiệp và kinh tế công nghiệp. Các công nghệ như điện toán đám mây, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, cùng với kết nối mạng và yếu tố sản xuất dựa trên dữ liệu sẽ thay đổi sâu sắc các ngành công nghiệp hiện nay, thay đổi cả về mô hình tổ chức, mô hình quản trị, phương thức sản xuất, yếu tố sản xuất, mô hình kinh doanh để hình thành một nền kinh tế mới.

CĐS là phát triển nhanh, vì kinh tế số tăng trưởng gấp 3-4 lần tăng trưởng GDP. CĐS là phát triển bền vững, vì tiêu tốn ít tài nguyên, lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu. CĐS làm tăng sức chống chịu của nền kinh tế, vì là môi trường số thì không khoảng cách, không tiếp xúc.

Chuyển đổi số thì sinh ra dữ liệu. Mà dữ liệu là một yếu tố sản xuất mới, giống như đất đai và vốn. Càng CĐS thì càng sinh ra nhiều dữ liệu, càng tạo ra nhiều đất đai trên môi trường số. Khai thác đất đai này bằng CNS thì sinh ra giá trị mới, tạo ra sự tăng trưởng, sự giàu có.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong bối cảnh ngày nay có sự tham gia mạnh mẽ của dữ liệu, thậm chí đóng vai trò quyết định. Việt Nam chúng ta là một Đảng lãnh đạo, có thể tạo ra chính sách đột phá về CĐS và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để đẩy nhanh công cuộc CĐS quốc gia. CĐS mà nhanh thì cũng giúp đẩy nhanh CNH, HĐH.

Chuyển đổi số là tạo ra một phiên bản số của thế giới thực, cả người, cả vật, đất, trời, biển và vũ trụ. Gọi là chuyển đổi thế giới thực vào thế giới số. Lần đầu tiên trong lịch sử, con người tạo ra một mối liên hệ thực-ảo, và sống trong cả hai thế giới cùng lúc, hai thế giới này bổ trợ nhau. Những thay đổi trong thế giới thực sẽ ánh xạ ngay theo thời gian thực vào thế giới số. Thiết kế, sáng tạo có thể thực hiện một cách nhanh chóng, với chi phí rất thấp trong thế giới số, trước khi đưa vào sản xuất trong thế giới thực. Thử nghiệm trong thế giới số có thể đưa ra những khuyến nghị hành động trong thế giới thực một cách tối ưu và hiệu quả hơn rất nhiều.

CNH trước đây chú trọng vào các doanh nghiệp sản xuất thì nay, với CĐS, CNH sẽ nhắm đến tất cả các doanh nghiệp, cả sản xuất công nghiệp, cả nông nghiệp và dịch vụ; cả doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, đến cả hộ kinh doanh, đến cả một cá nhân kinh doanh.

CNH trong 3 cuộc CMCN trước đây là cơ khí hoá, điện khí hoá và tự động hoá, thì đều là nói đến các nhà máy quy mô lớn. Càng lớn càng có lợi thế và điều này cũng là rào cản để các nước đi sau CNH thành công. Nhưng nay, với CĐS, thì quy mô lớn chỉ còn đúng với sản xuất như là một dịch vụ, còn tạo ra sản phẩm cuối cùng thì có thể lại là quy mô nhỏ để đáp ứng nhu cầu cá thể hoá. Ngày nay, với CĐS, quy mô nhỏ vẫn có thể sở hữu nền tảng công nghệ hiện đại như quy mô lớn.

Khi một cuộc cách mạng công nghệ mới xuất hiện thì cũng xuất hiện những lợi thế mới. Lợi thế đó có thể đến từ chính những điểm yếu của một đất nước, một dân tộc. Thí dụ, làm ăn nhỏ là một điểm yếu thời sản xuất hàng loạt nhưng là lợi thế thời sản xuất cá thể hoá. Đông dân là gánh nặng thời kỳ lo cái ăn, nhưng là lợi thế thời công nghệ số vì giá sản phẩm số càng thấp khi càng nhiều người dùng.

Một cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ di chuyển lợi thế từ nước này sang nước kia. Những lợi thế mới này thường xuất phát từ vị trí địa chính trị của một nước, từ văn hoá của nước đó, từ tính cách người dân nước đó, từ chế độ của nước đó. Điều quan trọng là tìm ra cách tiếp cận đúng để biến điểm yếu của mình thành lợi thế trong tận dụng cơ hội của chuyển đổi số để đẩy nhanh, rút ngắn quá trình CHN, HĐH đất nước.

Mỗi cuộc CMCN mới tạo ra cơ hội cho một số ít nước bứt phá vươn lên, hoá rồng, hoá hổ thành nước phát triển có thu nhập cao, nhưng chỉ là một số rất ít nước, đó là những nước nắm bắt được cơ hội và dũng cảm, tiên phong đi đầu.

Xin trân trọng cảm ơn!   

Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: