Chi tiết tin

A+ | A | A-

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngày đăng: 15:43 | 30/03/2023 Lượt xem: 190

Chiều ngày 29/3/2023, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Đoàn công tác của Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Bộ TT&TT về hoạt động của Ngành giai đoạn 2021 - 2022, định hướng phát triển giai đoạn 2023 - 2025; những vấn đề liên quan đến hoạt động chuyển đổi số của Việt Nam; công tác xây dựng các dự án luật do Bộ TT&TT chủ trì soạn thảo và một số nội dung chuẩn bị cho Hội nghị Nghị sỹ trẻ toàn cầu lần thứ 9.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các Thứ trưởng Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm và lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các doanh nghiệp thuộc ngành TT&TT đã tiếp và làm việc với Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác.

Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội, Trung tướng Lê Tấn Tới; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt.

Cùng dự buổi làm việc có: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đặng Xuân Phương; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Phạm Thái Hà; Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại Thái Quỳnh Mai Dung - Đại diện nhóm Nghị sĩ trẻ, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.

20230329-pg1-CTQH.jpg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo buổi làm việc

Những bước phát triển ấn tượng của ngành TT&TT

Thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác về tình hình phát triển ngành TT&TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị, chỉ trong một thời gian rất ngắn hoạt động chuyển đổi số đã diễn ra nhanh, mạnh trên khắp các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên cả nước. “Việt Nam gần như đi cùng nhịp với những nước nhanh nhất trên thế giới trong việc xây dựng, ban hành những chủ trương, chiến lược quốc gia về chuyển đổi số”.

Công tác báo chí, truyền thông đã phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội Việt Nam, tạo đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, tạo niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên; góp phần truyền tải ra thế giới những thông tin sinh động, đa chiều về đất nước, con người Việt Nam ổn định, thân thiện, năng động và giàu tiềm năng phát triển.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành TT&TT trong 5 năm qua là 12,4%, gấp 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Đáng chú ý, năm 2022 tổng doanh thu toàn ngành là 3.893.595 tỷ đồng (khoảng 168 tỷ USD); tổng nộp ngân sách toàn ngành là 98.982 tỷ đồng (khoảng 4,3 tỷ USD); tổng số lao động toàn ngành là trên 1,5 triệu người; tổng số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp toàn ngành là gần 85.000 đơn vị gồm khoảng trên 70.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số… và khoảng 15.000 đơn vị sự nghiệp và đơn vị khác bao gồm (các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, cơ sở in, phát hành, phát thanh truyền hình, các đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, xã).

Công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý được xác định là nhiệm vụ xuyên suốt, có mức độ ưu tiên cao nhất và được lồng ghép trong toàn bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ TT&TT đã nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi, bổ sung và đề xuất xây dựng mới 08 dự án Luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí; Luật Công nghiệp công nghệ số.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới 03 luật, gồm: Luật Xuất bản, Luật Bưu chính, Luật Chính phủ số.

Bộ TT&TT xác định, năm 2023 có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, là năm tạo ra cách tiếp cận thiết thực, phải ra kết quả có lợi cho người dân, kết thúc công việc và tạo ra giá trị.

Năm 2023, Bộ TT&TT đã xác định triển khai thực thi một số định hướng lớn, cụ thể như: Năm 2023 là năm dữ liệu số; thực thi các chiến lược đã ban hành; cải cách hành chính, thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến; nâng cao thứ hạng Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Việt Nam; quản lý các nền tảng xuyên biên giới đúng quy định pháp luật Việt Nam; sử dụng các công nghệ cao, công nghệ mới để giải các bài toán nhỏ của Việt Nam; thúc đẩy các doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, chinh phục thế giới và làm thịnh vượng Việt Nam…

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ

Báo cáo về kết quả chuyển đổi số tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam xếp hạng thứ 86/193 quốc gia về Chính phủ số, Chính phủ điện tử; dịch vụ công trực tuyến đứng ở vị trí 76/193; dữ liệu mở ở vị trí 87/193.

Về an toàn an ninh mạng, Việt Nam xếp hạng 25/193 quốc gia, tăng 75 bậc.

Kinh tế số đạt tốc độ tăng trưởng 28%, đứng đầu khu vực Đông Nam Á năm 2021.

Đóng góp của kinh tế số trong GDP quốc gia đạt 11,91% năm 2021, 14,26% năm 2022.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã chỉ ra những thách thức về thay đổi thể chế trong khi tiến hành quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số là thay đổi cách thức vận hành, do đó thể chế phải thay đổi trước để chuyển đổi số có thể phát huy hiệu quả.

Theo Thứ trưởng, thể chế không thay đổi thì các ứng dụng của chuyển đổi số không có “đất” phát triển. “Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ”. Cách tiếp cận của Bộ TT&TT trong xây dựng thể chế cho chuyển đổi số là cho phép thử nghiệm có kiểm soát. Tức là, kiểm soát rủi ro thông qua thử nghiệm cái mới trong một không gian, thời gian có giới hạn (sandbox). Sau khi thử nghiệm thành công thì mở rộng quy mô triển khai. Học hỏi kinh nghiệm thành công về chuyển đổi số của các quốc gia khác cũng là một cách tiếp cận tốt trong xây dựng thể chế cho chuyển đổi số. Ta có thể học hỏi và mạnh dạn áp dụng các bài học thành công. Đã có người làm thành công, đã có quốc gia làm thành công, tức là rủi ro giảm đi đáng kể.

Để chuẩn bị cho Hội nghị Nghị sỹ trẻ lần thứ 9 sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 9/2023 với chủ đề “Vai trò của nghị sỹ trẻ và giới trẻ đối với thực hiện mục tiêu phát triển bền vững gắn với chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đề xuất một số nội dung cho các phiên chuyên đề tại Hội nghị, như: Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; Chuyển đổi số và thể chế số, chuyển đổi số và chủ quyền số/ Chuyển đổi số và nghị sỹ số; Chuyển đổi số và văn hóa số…

20230329-pg1-tranhtem.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao tặng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sách tem về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bộ TT&TT đã đạt được kết quả nổi bật, khá toàn diện trên các mặt công tác

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vui mừng bày tỏ, đây là lần đầu tiên đến thăm và làm việc với Bộ TT&TT trên cương vị Chủ tịch Quốc hội. Đồng thời, Chủ tịch cũng ghi nhận việc chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu cho buổi làm việc với nội dung phong phú, cách thức trình bày hấp dẫn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua theo dõi tình hình chung và nghe báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch đánh giá cao và chúc mừng những kết quả nổi bật, toàn diện trên các mặt công tác mà Bộ TT&TT đạt được trong thời gian qua. Chúc mừng Bộ TT&TT đã được Chủ tịch nước đã tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhất” cho thành tích xuất sắc đột xuất trong xây dựng và triển khai thực hiện Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trên cơ sở quan điểm chỉ đạo và những định hướng lớn được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, tại Nghị quyết 16/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã chỉ rõ mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để phát triển đất nước. Trong đó có nội dung đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới và sáng tạo; nhấn mạnh công nghệ số là lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số là nguồn lực cơ bản, đổi mới số là động lực cơ bản.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc thực hiện các mục tiêu này đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới, ngày càng cao đối với ngành TT&TT, có những nhiệm vụ chưa có tiền lệ và phức tạp; đòi hỏi sự đóng góp của ngành thông tin và truyền thông trong triển khai nhiều nhóm giải pháp quan trọng.

Thời gian qua, Bộ TT&TT đã có những bước phát triển quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, công tác quản lý nhà nước và trong thúc đẩy phát triển 3 trụ cột của chuyển đổi số.

Công tác truyền thông, báo chí tiếp tục khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phản ánh trung thực dòng chảy chính, tích cực của xã hội Việt Nam, tạo sự đồng thuận, lan toả năng lượng tích cực, xây dựng niềm tin xã hội, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần để Việt Nam bứt phá vươn lên. Công tác quản lý báo chí đã có sự đổi mới mang tính bước ngoặt, tăng cường ứng dụng công nghệ để lưu chiểu điện tử, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin tích cực, tiêu cực, kịp thời định hướng nhắc nhở, chấn chỉnh những vấn đề trên không gian báo chí, truyền thông và trong hoạt động báo chí.

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò của Bộ TT&TT trong việc tham mưu cho Chính phủ để thay đổi nhận thức, cách làm trong công tác truyền thông chính sách theo quan điểm “truyền thông chính sách phải được coi là một việc, một chức năng của chính quyền”. Bộ đã làm rất tốt công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng đi đúng hướng.

Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận kết quả trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của Bộ Thông tin và Truyền thông.

20230329-pg1-luuniem-3.jpg

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với tập thể lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông

Chuẩn bị kĩ các nội dung của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9: Kết nối giữa các chủ đề chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

Về công tác tổ chức chuẩn bị cho Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Việt Nam đăng cai tổ chức, Chủ tịch Quốc hội cho biết, với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, Hội nghị sẽ tập trung vào vai trò, đóng góp của giới trẻ, trong đó có các nghị sỹ trẻ nhằm giải quyết những thách thức phát triển thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa và con người để thúc đẩy việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.

Chuyển đổi số là một trong ba nội dung xuyên suốt chủ đề chung của Hội nghị, là một trong ba phiên thảo luận chuyên đề tại Hội nghị, do vậy ngay từ đầu cần có sự tham gia, phối hợp chuẩn bị nội dung của Bộ TT&TT.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tiếp tục làm rõ sự kết nối giữa các chủ đề chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo với mục tiêu phát triển bền vững để từ đó đưa ra được chủ đề thảo luận cụ thể, tạo được thông điệp của sự kiện. Bộ TT&TT cần tập trung nguồn lực, phối hợp với các cơ quan Quốc hội để chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung và công tác tổ chức, sớm xây dựng khung văn kiện của hội nghị, dự thảo các văn kiện cuối cùng, nhất là chuẩn bị kĩ lưỡng cho Tuyên bố chung của hội nghị truyền tải được thông điệp chính của sự kiện lần này. Bên cạnh đó là tích cực phối hợp với các cơ quan để tổ chức các sự kiện bên lề, tổ chức triển lãm…

Chuyển đổi số tạo ra cơ hội giải quyết các bài toán lớn, kéo dài, các bài toán thiên niên kỷ của Việt Nam

20230329-pg1-BT.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu đáp từ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc được đón Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác tới thăm và làm việc tại Bộ là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn tới toàn ngành TT&TT. 

Tư lệnh ngành TT&TT cam kết tiếp thu, lĩnh hội đầy đủ các chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và tổ chức triển khai thực hiện các chỉ đạo này với tinh thần nghiêm túc nhất, tạo ra kết quả cuối cùng một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt là việc xây dựng, hoạch định thể chế số, mở đường cho chuyển đổi số quốc gia để chuyển đổi số trở thành một phương thức phát triển mới, có tính đột phá, thúc đẩy nhanh và rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số sẽ là hai chuyển đổi quan trọng nhất của nhân loại trong những thập kỷ tới. Nhưng muốn xanh thì phải số. Chuyển đổi số là chuyển lên một không gian sống mới, trên đó phải có thể chế số, văn hóa số để điều tiết mọi hoạt động.

Chuyển đổi số tạo ra cơ hội giải quyết các bài toán lớn, kéo dài, các bài toán thiên niên kỷ của Việt Nam, tạo ra cơ hội giải quyết 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc. Chuyển đổi số cũng tạo ra cơ hội cho đổi mới sáng tạo. 

Trên 80% các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và có giá trị trên 1 tỷ USD gọi là unicorn là các doanh nghiệp công nghệ số và chủ yếu hoạt động trong môi trường số. 

Báo chí, xuất bản và truyền thông cũng đang dần hội tụ thành truyền thông số. Sức mạnh của nó là khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng,  tạo nên sức mạnh tinh thần phát triển đất nước. 

Bộ TT&TT sẽ chuẩn bị tốt nhất các nội dung liên quan đến chuyển đổi số tại Hội nghị nghị sỹ trẻ toàn cầu, phối hợp tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền về hội nghị với tinh thần hội nghị là sự kiện đối ngoại đa phương trọng tâm của Quốc hội Việt Nam trong năm 2023. Chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung phục vụ chuyến thăm chính thức một số nước châu Mỹ La tinh của Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội.

Bộ TT&TT cũng cam kết được hỗ trợ xây dựng Quốc hội điện tử, sẽ chỉ đạo gần 70.000 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cùng tham gia phát triển Quốc hội điện tử, phát triển cho mỗi đại biểu Quốc hội một trợ lý ảo.

Đồng thời, Bộ TT&TT cũng đề xuất với Chủ tịch Quốc hội ba nội dung như là đóng góp của Quốc hội Việt Nam với Quốc hội toàn cầu: Ngành TT&TT có thể hỗ trợ kết nối hội nghị truyền hình với và giữa các Quốc hội toàn cầu; Xây dựng cơ sở dữ liệu về luật pháp toàn cầu bằng tiếng Anh đi cùng các công cụ tìm kiếm, trợ lý ảo để Quốc hội các nước có thể khai thác tri thức, thể chế toàn cầu; Xây dựng một nền tảng số nhắn tin, trao đổi bằng text để các nghị sĩ tương tác, trao đổi trong môi trường đa ngôn ngữ./.

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: