Chi tiết tin

A+ | A | A-

Luật Giao dịch điện tử sẽ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Ngày đăng: 15:32 | 27/02/2023 Lượt xem: 170

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử phải tạo môi trường pháp lý minh bạch để doanh nghiệp chuyển đổi số, tháo gỡ các rào cản giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

 

20230224-pg4.jpg

Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu chỉ đạo hội thảo.

Chiều 23/2/2023, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Tại hội thảo, vài vấn đề nổi cộm đã được các đại biểu nêu ý kiến. Trong đó Shopee, Grab và một số luật sư nêu quan ngại về khoản 1c, điều 48 của dự thảo. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng, đại diện cơ quan soạn thảo đã “gỡ rối” cho những thắc mắc này.

vna-potal-thanh-pho-ho-chi-minh-hoi-thao-lay-y-kien-hoan-thien-du-thao-luat-giao-dich-dien-tu-sua-doi-stand-1.jpg

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng giải đáp ý kiến của các đại biểu tại hội thảo

Cụ thể, tại khoản 1c, điều 48 quy định trách nhiệm của chủ quản hệ thống thông tin phải sẵn sàng thực hiện kết nối kỹ thuật phục vụ giám sát, kiểm tra, báo cáo số liệu hoạt động với hệ thống giám sát của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và pháp luật liên quan. Hiểu nôm na, các nền tảng số như Grab, Shopee,... phải kết nối kỹ thuật với cơ quan nhà nước để giám sát.

Ông Phan Mạnh Hà, Giám đốc đối ngoại Shopee Việt Nam, lo ngại Luật có thể xung đột với Luật Sở hữu trí tuệ. Vị này cho rằng nếu sàn thương mại điện tử phải liên tục kết nối với hệ thống của cơ quan nhà nước thì nhiều dữ liệu nhạy cảm như bí mật kinh doanh có thể bị lộ.

Chưa kể gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp khi phải xây dựng một hệ thống song song với hệ thống vận hành của doanh nghiệp, chỉ nhằm phục vụ mục đích giám sát của cơ quan nhà nước. Do đó, ông Hà kiến nghị bỏ quy định trên.

20230224-pg3.jpg

Đại diện Shopee phát biểu tại hội thảo.

Tương tự, bà Đặng Thị Thuỳ Trang, đại diện Grab Việt Nam, cho rằng điều đó làm xuất hiện thêm một quy định và thủ tục hành chính mới cho doanh nghiệp, có thể tạo gánh nặng cho các công ty kinh doanh trong khi hiệu quả chưa đo lường được.

Cũng quan tâm về vấn đề này, bà Lê Thu Minh (Công ty luật Baker & McKenzie Việt Nam) nhận định rằng việc yêu cầu phải có một kết nối như vậy sẽ mang lại nhiều rủi ro an ninh thông tin và bảo mật, là một điểm yếu có thể bị lợi dụng để tấn công vào hệ thống của cơ quan nhà nước và nhà cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, thông tin báo cáo số liệu hoạt động trực tiếp thông qua kết nối hệ thống thời gian thực có thể tiêu tốn năng lượng và tài nguyên lưu trữ một cách không cần thiết.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng giải đáp những thắc mắc trên, đồng thời khẳng định Bộ TT&TT luôn mong muốn hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi số.

Về cơ bản, quy định tại khoản 1c, điều 48 chỉ là số hoá các báo cáo hiện tại. Thay vì dùng văn bản giấy, doanh nghiệp sẽ thực hiện kết nối hệ thống cơ quan nhà nước để báo cáo. Đồng thời, doanh nghiệp không phải cung cấp tất cả thông tin hoạt động của mình mà chỉ đưa ra những số liệu theo luật định. Việc báo cáo cũng thực hiện định kỳ theo quy định hiện hành, không liên tục theo thời gian thực.

Thứ trưởng nêu ví dụ, trước đây mỗi tháng doanh nghiệp phải báo cáo bằng giấy một lần, thì với dự luật mới cũng thực hiện một lần nhưng qua ứng dụng công nghệ.

Các số liệu cần báo cáo sẽ căn cứ theo luật định, doanh nghiệp không phải kết nối toàn bộ với hệ thống giám sát. Do đó, nguy cơ lộ bí mật kinh doanh, sở hữu trí tuệ là không thể xảy ra.

Về mặt công nghệ, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho rằng không cần xây dựng một hệ thống mới hoàn toàn, mà nền tảng công nghệ của các công ty lớn đều có khả năng đáp ứng được yêu cầu của cơ quan nhà nước. Thậm chí, chi phí tuân thủ dự luật mới về kết nối, giám sát có thể tiết kiệm hơn so với cách làm truyền thống.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, ông Nguyễn Đức Hải, Ủy viên BCHTW Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, nhắc lại lời của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, cho rằng Dự luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) là nội dung cốt lõi của chuyển đổi số; quy định các vấn đề xoay quanh chữ ký số, một phương tiện để thực hiện giao dịch trên môi trường Internet.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, luật phải tạo môi trường pháp lý minh bạch để doanh nghiệp chuyển đổi số, tháo gỡ các rào cản giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. 

 

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: