Chi tiết tin

A+ | A | A-

Chuyển đổi số thực chất và hiệu quả

Ngày đăng: 8:20 | 06/12/2022 Lượt xem: 287

Theo bảng xếp hạng chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021) được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) công bố mới đây, trong số 63 tỉnh, thành phố, có 10 tỉnh, thành phố trong Top đầu lần lượt là Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bình Phước và Bắc Giang. Trong đó, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương tiên phong chuyển đổi số, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số gắn với chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

 

 

AP-22-1660808592266.jpg 

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025, đến nay, Thừa Thiên Huế hoàn thành 100% chỉ tiêu giai đoạn 2019 - 2020 và trên 70% các chỉ tiêu phát triển chính quyền điện tử giai đoạn 2021 - 2025.

Hàng loạt các chỉ số xếp hạng cấp tỉnh năm 2021, Thừa Thiên Huế đều nằm trong nhóm đầu của cả nước như: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh PAPI xếp vị trí số 1 toàn quốc; Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ICT xếp thứ 2 toàn quốc; Chỉ số chuyển đổi số DTI xếp thứ 2 toàn quốc; Chỉ số cải cách hành chính PAR Index xếp thứ 4 toàn quốc. Trong các trụ cột chỉ số chuyển đổi số DTI năm 2021 (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) thì tỉnh Thừa Thiên Huế xếp thứ nhất cả nước về hoạt động chính quyền số.

Để có kết quả này, tỉnh Thừa Thiên Huế đã kế thừa chặt chẽ, triệt để những kết quả tích lũy của quá trình xây dựng chính quyền điện tử, từ đó tổ chức tái cấu trúc phát triển 5 nền tảng chính, gồm làm việc số, báo cáo số, bản đồ số, phòng họp số và khảo sát thu thập dữ liệu số. Cơ sở 5 nền tảng này bám sát các chỉ tiêu chuyển đổi số của quốc gia. Đây là những công cụ giúp cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp có thể đóng góp dữ liệu vào hệ thống chính quyền số điện tử.

Về xã hội số, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chọn mô hình phù hợp, đó là dịch vụ thông minh và nền tảng Hue-S, với sự ủng hộ của lãnh đạo tỉnh và các doanh nghiệp, người dân. Nền tảng Hue-S đến nay thu hút 10 tập đoàn, doanh nghiệp tham gia tích hợp hơn 15 dịch vụ số, 800 nghìn lượt tải ứng dụng, bình quân mỗi người sử dụng 35 phút/ngày và từ năm 2017 đến nay đã có trên 17 triệu lượt truy cập. Hue-S đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, do đó thu hút số lượng rất lớn người dân tham gia. Nền tảng Hue-S là kết quả nổi bật của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình xây dựng chính quyền điện tử và triển khai chuyển đổi số. Qua đó, thúc đẩy nhanh chuyển đổi số hướng đến xây dựng chính quyền số, chú trọng tăng cường mạnh công tác tích hợp ứng dụng, dịch vụ số của nhà nước lên Hue-S.

Về hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số, các sở, ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp để hỗ trợ DN tiếp cận và từng bước số hóa. Thừa Thiên Huế hiện có hơn 6.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, trong đó, hơn 91% là DN SMEs, 300 DN công nghệ số. Bên cạnh những nỗ lực của chính quyền, DN đã tích cực, chủ động trong tìm hướng đi mới, tiếp cận các sàn giao dịch điện tử, vận dụng nền tảng CĐS để tăng doanh thu, đổi mới phương thức sản xuất phù hợp, thích ứng kịp thời trong trạng thái bình thường mới. CĐS đối với DN là nhu cầu cần thiết để tồn tại và phát triển trong xu thế phát triển chung của toàn cầu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình cho biết: điều kiện cơ bản để Huế triển khai chuyển đổi số thành công là tập trung phục vụ người dân và doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm. Huế là địa phương không có nguồn lực dồi dào như những tỉnh thành khác, vì vậy, phải “may đo” cho phù hợp để chuyển đổi số giúp phát triển kinh tế xã hội, phục vụ trực tiếp cho người dân. “Tôi nhớ khi dịch Covid-19 xảy ra và giãn cách xã hội, Huế yêu cầu mỗi người phải có 1 thẻ Covid-19. Ngay sau đó, Viettel nhanh chóng có giải pháp phủ thẻ Covid-19 cho 100% người dân Huế để quản lý hiệu quả qua ứng dụng Hue-S. Đó là cách mà chúng tôi yêu cầu giải bài toán cụ thể và hiệu quả”.

Hiện có 800.000 người cài đặt Hue-S, đạt 100,1% người dân dùng smartphone. Có một số người nghĩ Huế có trạng thái riêng biệt nào đó, sau đó hiểu rằng đó là sự phù hợp. Đã qua 3 năm triển khai ứng dụng Huế S đến người dân rất thuận lợi. Nhiều người yêu mến gọi Hue-S là Huế "méc". Tức là Hue-S đã đưa tiếng nói, phản ánh cả mặt tốt và xấu của người dân lên chính quyền và chính quyền nhanh chóng phản hồi để giải quyết vấn đề nhanh chóng. Chúng tôi đang biến Hue-S trở thành nền tảng hiệu quả trong công tác quản lý và phục vụ người dân Người dân Huế tin tưởng khi những phản ánh hiện trường về tình hình vi phạm giao thông, môi trường… đều được xử lý mà không có “vùng cấm”.

Trong thời gian tới, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, Thừa Thiên Huế tập trung thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số đạt kết quả theo các chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, Đề án UBND tỉnh ban hành. Từ đó, cần nhận rõ những cái đạt được, và những cái chưa đạt được. Trên cơ sở bộ tiêu chí, cần triển khai và đánh giá chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số vào các hoạt động cơ quan, đơn vị địa phương bảo đảm phù hợp. Đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện CĐS. Đồng thời, phổ biến các phần mềm, các ứng dụng tiện ích cho người dân biết sử dụng hiệu quả như: Dịch vụ công trực tuyến, phản ánh hiện trường, thanh toán không dùng tiền mặt, sổ khám sức khỏe điện tử, khai thuế điện tử...

 

 

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: