Chi tiết tin

A+ | A | A-

Đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi số hướng tới hải quan thông minh

Ngày đăng: 8:06 | 06/07/2022 Lượt xem: 295

Đến nay, toàn bộ các thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan chỉ từ 1 đến 3 giây.

 99,65% doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử

Đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành mục tiêu 5E (E-Declaration; E-payment; E-C/O; E-Permit và E-Manifest) về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước về hải quan, xây dựng được một hệ thống CNTT tập trung cấp Tổng cục phục vụ công tác quản lý nhà nước về hải quan, hoạt động ổn định, thông suốt, bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.

20220604-pg2.jpg

100% Cục hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia.

Khối lượng công việc của Tổng cục Hải quan đã tăng lên một cách nhanh chóng. Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) trung bình mỗi năm tăng 23%. Số thuế XNK thu được trung bình mỗi năm tăng 9,2%. Số lượng tờ khai XNK trung bình mỗi năm tăng 22% trong khi đó, số lượng cán bộ, công chức hải quan giảm.

Nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính và tạo thuận lợi thương mại theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2017, Tổng cục Hải quan đã triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động (VASSCM).

Ngành hải quan tiếp tục nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp: Trong những năm gần đây, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, và đã đạt được những kết quả mang tính đột phá. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (xấp xỉ 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện), trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), cho phép người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng Internet.

Về tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia: tính đến nay, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành tích hợp 98 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Ứng dụng CNTT toàn diện thúc đẩy chuyển đổi số

Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan cũng đã tập trung triển khai các hoạt động để từng bước ứng dụng CNTT một cách toàn diện vào tất cả các mặt công tác nghiệp vụ của ngành.

Tổng cục Hải quan cũng đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành nội bộ của Tổng cục Hải quan và đã mang lại hiệu quả cao.

Tính đến ngày 15/6/2022, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 4,92 triệu bộ hồ sơ của hơn 54,8 nghìn doanh nghiệp.

Về Cơ chế một cửa ASEAN, đến nay, Việt Nam đã thực hiện trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D bản điện tử (e-C/O form D) với 9 nước ASEAN: Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Brunei, Campuchia, Myanmar, Lào, Philippines...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo ngành hải quan cho rằng việc ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước về hải quan trong thời gian vừa qua vẫn còn tồn tại, hạn chế, chưa ứng dụng đầy đủ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Mức độ ứng dụng CNTT và tự động hóa ở một số lĩnh vực nghiệp vụ hải quan vẫn còn chưa cao. Vì vậy, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan cần phải tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT hơn nữa, trong đó tập trung thực hiện chuyển đổi số nhằm hiện thực hóa mục tiêu hải quan số.

Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc và trực thuộc xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu 100% thủ tục hải quan được thực hiện hoàn toàn trên môi trường mạng (phi giấy tờ).

Định hướng đến năm 2030, ngành hải quan hoàn thành hải quan thông minh. Theo đó, có 100% các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan đối với các loại hình cơ bản được chuyển sang dạng dữ liệu điện tử, tiến tới được số hóa. Toàn bộ cảng, cửa khẩu quốc tế trọng điểm được triển khai hệ thống quản lý giám sát hàng hóa tự động, trang bị hệ thống soi chiếu hàng hóa, hành lý...

Các kết quả, hình ảnh, thông tin được truyền trực tiếp về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan và chia sẻ thông tin với các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan tại cửa khẩu.

100% hàng hóa thuộc đối tượng rủi ro cao vận chuyển bằng container chịu sự giám sát hải quan được giám sát bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại, dữ liệu được kết nối về trung tâm xử lý tập trung của cơ quan hải quan...

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý nhà nước về hải quan như trí tuệ nhân tạo (AI) trong soi chiếu hàng hóa, kết nối internet vạn vật (IoT) trong giám sát hải quan; phân tích dữ liệu lớn (Big Data) trong quản lý doanh nghiệp XNK;... đặc biệt tạo bước chuyển mang tính đột phá trong thu thập, quản trị, lưu trữ, xử lý, phân tích dữ liệu và cơ sở dữ liệu tập trung ngành hải quan; đồng thời xây dựng và thực hiện mô hình phân tích dữ liệu khoa học phục vụ đắc lực công tác nghiệp vụ cũng như công tác quản lý điều hành các cấp thông qua hệ thống công nghệ thông tin hải quan tích hợp.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai các giải pháp nhằm hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp và của các bộ, ngành để bảo đảm sự đồng bộ với quá trình chuyển đổi số của ngành hải quan, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN.

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: