Chi tiết tin

A+ | A | A-

Chuyển đổi số là con đường để doanh nghiệp chế biến, chế tạo tạo giá trị, tăng trưởng

Ngày đăng: 9:55 | 10/06/2022 Lượt xem: 248

"Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được ví như "xương sống" của nền kinh tế đất nước, do đó, muốn phát triển cần gắn liền với các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ra đời ý tưởng… đặc biệt phải gắn với chuyển đổi số (CĐS) mọi quy trình tổng thể".

Đó là quan điểm nhấn mạnh của bà Lê Huyền Nga, Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương tại Hội thảo "Xu hướng và giải pháp CĐS cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất" trong khuôn khổ DX Summit 2022 do VINASA tổ chức mới đây.

CĐS giúp thúc đẩy mạnh mẽ nội lực nền kinh tế đất nước

Thông suốt cho các quan điểm phát triển trên, bà Nga cho rằng các DN sản xuất nói chung và DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng cũng cần phải biết tận dụng, chủ động thích nghi với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số, cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Vì đây là một xu thế bắt buộc, do đó các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần phải xây dựng, thực hiện các chiến lược tổng thể, nhất là tập trung phát triển, đổi mới, ứng dụng từ các công nghệ số và phải gắn liền các hoạt động CĐS - coi đó là con đường dẫn dắt, tạo giá trị, mục tiêu tăng trưởng trong tương lai.

Bên cạnh đó, CĐS cũng giúp các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nâng cao năng lực cạnh tranh, sớm đạt hiệu quả sản xuất và sẵn sàng đón nhận các làn sóng đầu tư mới từ các tập đoàn đa quốc gia. "Đây cũng chính là một mục tiêu nhằm thúc đẩy mạnh mẽ nội lực nền kinh tế đất nước", bà Nga nhấn mạnh.

Cũng trong xu thế này, theo bà Nga, thế giới đã trải qua 04 cuộc CMCN và trong mỗi lần đều có điểm chung xuất phát nguồn và sự khởi sướng từ những đột phá ngay trong ý tưởng sản xuất, phát minh - đây cũng chính là nền tảng cách mạng của các ngành công nghiệp.

"Nhờ các ý tưởng, phát minh mới, nhiều nước trên thế giới đã hình thành, phát triển các ngành công nghiệp của mình, điều này mở rộng thêm các cơ hội mới về tương lai, sự thinh vượng kinh tế cho mỗi quốc gia phát triển bền vững", bà Nga nhận định.

Tại Việt Nam, khi nói về hiện trạng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, bà Nga cho biết đây là một ngành quan trọng của đất nước, những năm qua đã có những kết quả tích cực được tạo ra.

Theo bình quân tính từ giai đoạn năm 2011 - 2019, công nghiệp chiếm hơn 32% GDP của cả nước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 16,5% GDP.

Riêng trong giai đoạn năm 2011 - 2019, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng liên tục bình quân 9,44%/năm. Tính trong 02 tháng đầu năm 2022, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt hơn 346 triệu USD, chiếm 68,7% tổng vốn đăng ký mới.

"Đây là những con số biểu thị tốc độ tăng trưởng nhanh, thể hiện sự tự tin của DN luôn được duy trì và đây cũng chính là động lực cho sự tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp đất nước nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung", bà Nga nhấn mạnh.

Bà Nga cũng dẫn chứng thêm, Nghị quyết Đại hội  lần thứ XIII của Đảng xác định rõ mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt 25%, đồng thời, đặt ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và thành tựu công nghệ của CMCN 4.0.

Muốn đạt được mục tiêu này, theo bà Nga, Việt Nam cần xác định lại cơ cấu công nghiệp, nâng cao trình độ KHCN, đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ số; nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế có khả năng tham gia sâu, có hiệu quả vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu cho giai đoạn năm 2025, đây cũng sẽ là một thách thức lớn nói riêng đối với ngành, đo đó, đòi hỏi sự nỗ lực vượt bậc lớn, cần sự phối hợp, vào cuộc của các cấp, ngành, bên liên quan cũng như cần những sự đột phá, nhất là cần hệ thống chính sách hỗ trợ của nhà nước để thúc đẩy tăng trưởng ngành đạt hiệu quả bền vững, mạnh mẽ.

DN cần áp dụng các sáng kiến ĐMST, CĐS mọi quy trình tổng thể

Bên cạnh những cơ hội, thuận lợi, lợi ích được tạo ra cho nhóm ngành này, bà Nga cũng cho rằng ngành chế biến chế tạo cũng còn những hạn chế, khó khăn không nhỏ.

Vì thực tế chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển tiếp của quá trình phát triển công nghiệp, trong đó, mức độ hấp thụ công nghệ và trình độ quản lý sản xuất vẫn còn đang ở mức hạn chế, đó là sự chậm chạp liên kết giữa các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với các DN trong nước còn lỏng lẻo, chưa tạo ra sự lan toả, tận dụng tối đa nguồn vốn hiệu quả

Nguyên nhân chính cho luận điểm này, bà Nga cho rằng, một phần là do năng lực của các DN trong nước còn hạn chế, chưa đủ sức tiếp cận, và lan tỏa năng lực. Trong khi đó các chính sách hỗ trợ về phía nhà nước chưa đủ mạnh, thiếu đồng bộ, tổng thể cho sự phát triển chung cho các ngành chế biến, chế tạo.

Đưa ra con số dẫn chứng về những hạn chế trên, bà Nga cho biết, hiện nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang chiếm gần 40% tổng doanh thu thuần sản xuất của nền kinh tế. Tuy nhiên, đây là con số thấp (chiếm gần 16,5% tỷ trọng GDP), điều này thấp hơn nhiều quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới.

20220609-pg2.jpg

Các DN Việt Nam cần tích cực triển khai hợp tác cùng các tập đoàn đa quốc gia, DN FDI (Ảnh: Internet)

Nói thêm về những nguyên nhân doanh thu, giá trị gia tăng công nghiệp đang thấp, bà Nga còn cho rằng, chúng ta vẫn đang loay hoay chỉ tập trung vào các ngành công nghệ thấp, chỉ dừng lại ở khâu gia công, lắp ráp, chưa tập trung vào các ngành công nghiệp mới, các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Cùng với đó, nội lực của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cao còn yếu, thiếu năng lực hòa nhập; DN công nghiệp Việt Nam đang sử dụng các công nghệ lạc hậu so với trung bình của thế giới.

"Có đến hơn 76% các thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ cũ; tỷ trọng công nghệ thấp, trung bình chiếm hơn 60%...", bà Nga nêu con số.

Trước những hạn chế này, bà Nga đưa ra các đề xuất, giải pháp giúp các DN sản xuất, chế biến, chế tạo phát triển, nhất thiết phải tập trung áp dụng các sáng kiến ĐMST và phải CĐS mọi quy trình tổng thể. Đặc biệt, DN cần xây dựng chiến lược CĐS trong từng ngành, từng lĩnh vực; áp dụng các nền tảng số, phần mềm số, hạ tầng số, dây chuyền sản xuất thông minh phù hợp với năng lực, đặc thù thực tế của mỗi đơn vị, DN.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, thời gian qua, Bộ Công Thương tích cực ban hành, hoàn thiện hệ thống pháp lý, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật để tạo động lực hỗ trợ, phát triển ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo.

"Mục tiêu của các chính sách nhằm giải quyết, khơi thông các điểm nghẽn, tạo ra nguồn lực mạnh cho phát triển ngành công nghiệp", bà Nga nhấn mạnh.

Hơn nữa, bà Nga còn nhấn mạnh đến việc tăng cường liên kết giữa các địa phương, vùng miền để chuyển dịch nền cơ cấu ngành công nghiệp chế biến chế tạo theo hướng gia tăng giá trị gia tăng, mức độ thông minh

Đồng thời, Nhà nước cần ban hành thêm các cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN; chú trọng vào việc phát triển nguồn nhân lực KHCN, ĐMST; gia tăng các liên kết giữa các DN trong nước với DN khu vực FDI và thị trường toàn cầu nhằm tận dụng tốt các cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA).

"Việc DN Việt Nam cần tích cực triển khai hợp tác cùng các tập đoàn đa quốc gia, DN FDI; tham gia các chương trình phát triển các nhà cung cấp, đào tạo chuyên môn, cải tiến công nghệ…", bà Nga nhấn mạnh, đề xuất./.

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: