Chi tiết tin

A+ | A | A-

Chuyển đổi số nhanh, mạnh ở Quảng Nam

Ngày đăng: 8:10 | 17/01/2022 Lượt xem: 404

Tỉnh Quảng Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số với mục tiêu trở thành địa phương thuộc tốp đầu cả nước về chuyển đổi số vào năm 2030

Xác định chuyển đổi số (CĐS) là nhiệm vụ sống còn, chìa khóa để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội giữa thời đại công nghệ lên ngôi, tháng 4-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết 04 về CĐS tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

5 giải pháp cho mục tiêu lớn

Nghị quyết đề ra các mục tiêu tổng quát và cụ thể đáng chú ý: Đến năm 2030, tỉnh Quảng Nam CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa địa phương này vào nhóm các tỉnh, thành thực hiện CĐS tốt. Hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân. Tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp (DN) số có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

 

Chuyển đổi số nhanh, mạnh ở Quảng Nam - Ảnh 1.

 

Chuyển đổi số giúp các bộ phận tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Nam giải quyết hồ sơ, thủ tục thuận lợi hơn

 

Chuyển đổi số nhanh, mạnh ở Quảng Nam - Ảnh 2.

 

Ứng dụng Smart Quang Nam khá tiện lợi cho việc tra cứu thông tin về địa phương .Ảnh: PHÚC HUY

Mục tiêu cơ bản đến năm 2025, Quảng Nam phát triển chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; có 90% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, 70% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 50% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; các cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh... Cũng đến năm 2025, Quảng Nam phấn đấu kinh tế số chiếm 8%-10% GRDP.

Về giải pháp triển khai, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay đầu tiên, Tỉnh ủy Quảng Nam nêu rõ người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về CĐS trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tiên phong, đi đầu trong việc CĐS. Hai là, xây dựng cơ chế, chính sách của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các DN CĐS toàn diện, hiệu quả; tích cực thu hút DN số đầu tư vào tỉnh; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ quá trình CĐS. Ba là, đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số đáp ứng yêu cầu CĐS. Bốn là, xây dựng chính quyền số, hình thành các đô thị thông minh. Năm là, phát triển kinh tế số, xã hội số.

"Quả ngọt" bước đầu

Ông Phạm Hồng Quảng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Nam, nhận định CĐS ở tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả.

Việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, DN đã đạt 41%, hiệu quả được nâng cao. Các đơn vị đã kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến Chính phủ, cho phép người dân, DN thực hiện các giao dịch trực tuyến mức độ 4 thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính; triển khai đồng bộ, kết nối liên thông 3 cấp tỉnh - huyện - xã các hệ thống dùng chung như quản lý văn bản, điều hành tác nghiệp, đáp ứng yêu cầu gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

Trong năm 2020, tỉnh đã triển khai các hệ thống quan trọng của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh (LRIS), góp phần hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử của tỉnh... Đầu năm 2021, Quảng Nam triển khai ứng dụng Smart Quang Nam kết nối người dân với chính quyền; đưa vào hoạt động Tổng đài thông tin dịch vụ công (1022) tiếp nhận, xử lý và trả lời thông tin của người dân, DN...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, trong lĩnh vực y tế, tất cả bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, trung tâm y tế hai chức năng hiện đã sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện HIS trong quản lý, điều hành và ứng dụng trong công tác khám chữa bệnh, thanh toán BHYT. 100% cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn thực hiện kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán BHYT với cơ quan BHXH qua hệ thống giám định điện tử.

Trong lĩnh vực giáo dục, hầu hết trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hệ thống thông tin quản lý trường học. Hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non đã được triển khai nhiều năm qua tại địa chỉ csdl.moet.gov.vn. Tất cả cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo đều sử dụng và khai thác hiệu quả thông tin trong việc xây dựng dữ liệu, khai thác dữ liệu.

Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh triển khai thí điểm hệ thống du lịch thông minh gồm các phân hệ: Cổng thông tin du lịch, bản đồ số du lịch, ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động, hệ thống phân tích phản hồi về du lịch Quảng Nam từ mạng xã hội. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng đề án triển khai bản đồ GIS phục vụ xúc tiến đầu tư trên địa bàn tỉnh... 

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: