Chi tiết tin

A+ | A | A-

Thế giới đang tiến hành chuyển đổi số như thế nào?

Ngày đăng: 9:36 | 21/01/2022 Lượt xem: 489

Dell Technologies vừa công bố bảng Chỉ số chuyển đổi số, kết quả của một nghiên cứu toàn cầu cho thấy các tổ chức tiến hành chuyển đổi số như thế nào. Đây là bảng cập nhật lần thứ 3 và mới nhất của Dell Technologies.

Ảnh 1: Tình hình chuyển đổi số năm 2020 và bảng biến thiên 3 năm. Số liệu: Dell - Đồ họa: PHN

DT Index của Dell là một thước đo toàn cầu cho thấy tình trạng chuyển đổi số và hiệu suất của các tổ chức. Khảo sát này được cập nhật 2 năm/lần và công bố lần đầu tiên vào năm 2016. Khảo sát lần này thu thập ý kiến từ 4.300 lãnh đạo doanh nghiệp (từ nhân sự cấp cao cho đến các giám đốc) trong các công ty từ quy mô vừa cho đến các tập đoàn lớn tại 18 quốc gia. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, chỉ số DT Index năm 2020 cho thấy cứ 10 doanh nghiệp thì 8 đơn vị đã đẩy nhanh một số chương trình chuyển đổi số trong năm nay và 79% trong đó đang sáng tạo lại mô hình kinh doanh. 

* Diễn biến chung về chuyển đổi số trên toàn cầu

DT Index chia các doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi số ra thành 5 hạng:

1. Digital Leaders: nhà lãnh đạo về kỹ thuật số. Đây là hạng cao nhất, bao gồm những doanh nghiệp đã chín muồi về chuyển đổi số.

2. Digital Adopters: người thừa nhận kỹ thuật số. Đứng thứ hai sau Digital Leader, tiến hành tốt chuyển đổi số nhưng chưa chín muồi.

3. Digital Evaluators: người đánh giá về kỹ thuật số. Đứng thứ 3 về chuyển đổi số, đang bước vào chuyển đổi số với những đánh giá nhất định.

4. Digital Followers: người theo dõi về kỹ thuật số. Đứng thứ tư về chuyển đổi số, quan tâm theo dõi quá trình chuyển đổi số.

5. Digital Laggards: người tụt hậu về kỹ thuật số. Đứng cuối cùng về chuyển đổi số, hầu như không quan tâm đến quá trình này.

Kết quả khảo sát năm 2020 (ảnh 1) cho thấy tỷ lệ các Digital Leaders tăng lên đến mức cao nhất, dù vẫn còn ở mức khiêm tốn là 6% (tăng nhẹ so với 5% của năm 2016 và 2018). Digital Adopters tăng mạnh từ 23% năm 2018 lên 39% trong năm 2020. Ở chiều ngược lại, Digital Laggards (các doanh nghiệp tụt hậu về kỹ thuật số) giảm mạnh từ 15% và 9% của các năm 2016, 2018 xuống còn 3% năm 2020. Nhóm các Digital Followers sụt giảm mạnh từ 30% xuống 13%, cho thấy các doanh nghiệp trong nhóm này đang dần chuyển lên các nhóm Digital Evaluator (tăng từ 33% lên 39%) và Digital Adopter.

Ảnh 2

Trên đây là bảng kết quả về tình trạng chuyển đổi số của một số quốc gia trong nhóm được khảo sát (ảnh 2), đáng chú ý là Ấn Độ có mức độ chuyển đổi số rất cao trong khi Nhật Bản lại rất thấp.

Ông Michael Dell, Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc của Dell Technologies, nhận định: “Những chỉ số này giúp chúng ta nhìn thấy được xu hướng trong tương lai và các tổ chức đang tăng tốc việc chuyển đổi số sẽ sớm thu được trái ngọt trong Kỷ nguyên dữ liệu (Data Era) đang xuất hiện trước mắt chúng ta”.

* Các trở lực trong việc chuyển đổi số

Đại dịch Covid-19 là một nguyên nhân thúc đẩy chuyển đổi số trên toàn cầu, tuy nhiên việc chuyển đổi liên tục lại là một thách thức: 94% các tổ chức đang đối mặt với những trở lực nhất định trong việc thực hiện chuyển đổi. Theo bảng DT Index 2020, 3 trở lực hàng đầu ngăn việc chuyển đổi số thành công là:

- Những mối quan ngại về bảo mật dữ liệu và an ninh mạng (vào năm 2016, yếu tố này xếp thứ 5).

- Thiếu chi phí và các nguồn lực (yếu tố này xếp thứ 1 vào năm 2016 và thứ 2 vào năm 2018).

- Không thể trích xuất các thông tin chi tiết từ dữ liệu và/hoặc quá tải thông tin (vào năm 2016, yếu tố này xếp thứ 11).

Những xu hướng mới trong việc chuyển đổi số

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp thường tập trung đầu tư mạnh vào các công nghệ nền tảng hơn là những công nghệ mới. Đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu khiến các hoạt động phải diễn ra chủ yếu trên nền tảng số và internet, do vậy các tổ chức đang dần chuyển các chương trình chuyển đổi số sang những thiết bị cao cấp và thời gian hoàn thành chỉ trong vài tháng thay vì mất vài năm như thông thường. 89% người được khảo sát cho biết họ cần những cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin linh hoạt và có khả năng mở rộng tốt hơn. DT Index 2020 cho thấy những công nghệ sẽ được đầu tư nhiều nhất trong 1-3 năm tới là:

- An ninh mạng (cybersecurity).

- Các công cụ quản lý dữ liệu (data management tools)

- Cơ sở hạ tầng 5G (5G infrastructure).

- Phần mềm bảo mật (privacy software).

- Các môi trường đa đám mây (multi-cloud environment).

82% số người được khảo sát cho rằng công nghệ Thực tế tăng cường (Augmented Reality) sẽ được sử dụng nhiều hơn để giúp mọi người học cách làm hoặc sửa bất kỳ món đồ nào đó ngay lập tức. 85% dự đoán trí tuệ nhận tạo (AI) và các mô hình dữ liệu sẽ được các tổ chức sử dụng để dự đoán những sự gián đoạn tiềm tàng (potential disruptions). 78% dự đoán công nghệ sổ cái phân tán (distributed ledgers), ví dụ như Blockchain, sẽ làm cho nền kinh tế Gig công bằng hơn (bằng việc cắt bỏ người trung gian). Tuy vậy, chỉ có 16% số người tham gia khảo sát đang có kế hoạch đầu tư vào Thực tế ảo (Virtual Reality)/Thực tế tăng cường, 32% dự định đầu tư vào AI và chỉ 15% có kế hoạch đầu tư vào công nghệ sổ cái phân tán trong 1-3 năm nữa.

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: