Toản cảnh buổi làm việc
Cùng dự buổi làm việc có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ TT&TT, cùng đại diện các cơ quan và đơn vị của tỉnh Bình Phước.
Chuyển đổi số Bình Phước đạt nhiều kết quả tích cực
Theo báo cáo từ lãnh đạo tỉnh Bình Phước, công tác chuyển đổi số tại địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các nền tảng và công nghệ số cơ bản ngày càng được ứng dụng rộng rãi, trở thành thói quen trong các tổ chức và cá nhân.
Ba trụ cột chính gồm Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số đã có những chuyển biến rõ nét. Người dân địa phương dần quen thuộc hơn với các tiện ích số, trong khi cán bộ, công chức được nâng cao nhận thức, chuyên môn và mạnh dạn ứng dụng công nghệ hiện đại vào công việc.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Những nỗ lực này đã giúp Bình Phước đạt được nhiều thành tựu nổi bật, như: Được vinh danh tại Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2023 (VDA) với giải pháp "Hệ thống thông tin nguồn tỉnh Bình Phước"; nhận Giải thưởng ASOCIO 2024 do Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - Thái Bình Dương trao tặng cho hạng mục chính quyền số xuất sắc.
Từ năm 2019 đến nay, Bình Phước đã phân bổ hơn 844 tỷ đồng cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số. Nguồn đầu tư này đã tạo đột phá trong hiện đại hóa hành chính, triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình, xây dựng địa phương thông minh và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh cho biết, Bình Phước đặt mục tiêu trong giai đoạn 2025-2030, tỉnh phấn đấu nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chỉ số chuyển đổi số. Cụ thể:
Đến năm 2030, Kinh tế số của Tỉnh dự kiến chiếm khoảng 30% GRDP, 80% doanh nghiệp trên địa bàn sẽ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất và kinh doanh.
Về chính quyền số, Tỉnh sẽ hoàn thành số hóa 100% dữ liệu quản lý nhà nước, cung cấp toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với ít nhất 90% hồ sơ được xử lý trực tuyến.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh
Hạ tầng số cũng sẽ được đầu tư mạnh mẽ, đảm bảo 100% khu dân cư có kết nối Internet băng thông rộng và triển khai mạng 5G tại các trung tâm huyện và khu công nghiệp.
Ngoài ra, Tỉnh đặt mục tiêu đào tạo kỹ năng số cơ bản cho ít nhất 70% dân số trong độ tuổi lao động, đồng thời hình thành lực lượng chuyên gia và cán bộ CNTT tại tất cả các sở, ngành, đơn vị.
Tỉnh Bình Phước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 1489/QĐ-TTg ngày 24/11/2023, đồng thời phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 1259/QĐ-TTg, trong đó, bao gồm phương án phát triển hạ tầng TT&TT.
Theo đó, Bình Phước đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ tư vấn, định hướng và hướng dẫn cách thức triển khai hạ tầng số và các phương án chuyển đổi số phù hợp với quy hoạch phát triển tỉnh giai đoạn 2021-2030.
Bộ TT&TT đồng hành, hỗ trợ Bình Phước chuyển đổi số toàn diện
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ rõ, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu, chuyển đổi số là con đường phát triển Việt Nam, là phương thức phát triển mới và dùng chuyển đổi số để đưa Việt Nam trở thành một nước XHCN phát triển vào năm 2045. Chuyển đổi số là lựa chọn chiến lược, ưu tiên nên việc đưa nội dung chuyển đổi số vào nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước là cần thiết. Thời gian tới, Bộ Chính trị sẽ sớm ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ là một công tác Đảng, là công tác thường xuyên, hàng tháng.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bình Phước nên chọn chuyển đổi số làm trọng tâm phát triển trong giai đoạn mới và trở thành điểm sáng quốc gia về chuyển đổi số, từ đó thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ số trong và ngoài nước, tạo động lực phát triển. Bình Phước cũng nên đặt ra những mục tiêu cao hơn như tăng trưởng tới 13% trong giai đoạn 2025-2030. Chuyển đổi số không chỉ giải quyết các vấn đề lớn như giảm chênh lệch giàu nghèo, thu hẹp khoảng cách nông thôn - thành thị, cải thiện giáo dục hay giao thông, mà còn giúp tiết kiệm chi phí, thu hút doanh nghiệp công nghệ số đầu tư và giải các bài toán khó liên quan đến công nghệ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, Bình Phước nên xem xét việc xây dựng một trung tâm dữ liệu tại địa phương để hỗ trợ hạ tầng công nghệ. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, Bình Phước nên hợp tác với các doanh nghiệp lớn như VNPT để triển khai các giải pháp chuyển đổi số chuyên sâu. Bộ trưởng cũng đề nghị Bình Phước tăng tỷ lệ chi ngân sách cho chuyển đổi số từ 1% lên 2% nhằm đạt hiệu quả cao hơn.
Bộ TT&TT cam kết hỗ trợ tối đa cho Bình Phước trong hành trình chuyển đổi số, từ việc kết nối các doanh nghiệp công nghệ đồng hành đến cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao để hỗ trợ địa phương thực hiện thành công các mục tiêu đặt ra.
Kết thúc buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Tôn Ngọc Hạnh trân trọng cảm ơn sự đồng hành của Bộ TT&TT và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ sát sao để Bình Phước trở thành điểm sáng về chuyển đổi số của cả nước, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân./.