Cán bộ xã Vị Thắng giải quyết hồ sơ trực tuyến cho người dân.
Nhiều mô hình hay ra đời
Đến bộ phận một cửa UBND xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, không khó để bắt gặp số điện thoại hỗ trợ tư vấn được dán ở nhiều nơi. Đây là mô hình "Công khai số điện thoại tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến 24/24" được triển khai từ đầu năm 2024 tại đơn vị.
"Từ ngày có số điện thoại ở đây, mỗi lần có thắc mắc hay cần được tư vấn điều gì, tôi chỉ cần gọi vào số này thì sẽ có cán bộ ở xã hỗ trợ, hướng dẫn tận tình. Một điều tiện lợi nữa là khi có tài khoản nộp hồ sơ trực tuyến, tôi chỉ cần ngồi ở nhà thao tác trên điện thoại là đã có thể làm được. Hồ sơ thường được giải quyết rất nhanh và gửi về tận nhà nên tôi không phải mất nhiều thời gian đi đến UBDN xã để làm các thủ tục như trước nữa", chị Nguyễn Thị Hiền, ở ấp 11, xã Vị Thắng, chia sẻ.
Xác định chuyển đổi số sẽ mang lại hiệu quả trong giải quyết thủ tục hành chính, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi mỗi người dân phải cùng thực hiện. Thời gian qua, xã Vị Thắng đã đẩy mạnh hướng dẫn cho người dân về các thao tác nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Đến nay, nhiều người dân trên địa bàn đã biết, tự nộp thủ tục hành chính qua hình thức trực tuyến.
Cũng với mục tiêu giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí, vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công, các cấp, các ngành trên địa bàn đã tích cực vào cuộc, cùng với lực lượng công an địa phương hỗ trợ người dân cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2.
Anh Lê Hồng Tân, công chức văn phòng thống kê xã Vị Thắng, cho biết: Hàng tuần, tổ công tác chuyển đổi số của xã sẽ họp để trao đổi, tìm kế hoạch và đưa ra những mô hình hay, cách làm mới. Tuy chỉ mới ra mắt từ đầu năm, nhưng đã có trên 130 cuộc gọi vào số điện thoại được công khai. Điều này cho thấy được tính khả quan của mô hình này, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của xã, tạo được sự tin tưởng và hài lòng cho người dân, doanh nghiệp khi giải quyết các thủ tục hành chính.
Với cách làm trên, tính từ đầu năm đến nay, tổng số hồ sơ trực tuyến toàn xã Vị Thắng là 493 hồ sơ, đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh tập trung thúc đẩy Chính phủ số, về kinh tế số và xã hội số trên địa bàn xã hiện cũng đạt nhiều kết quả tích cực với nhiều nỗ lực. Thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, địa phương phối hợp cùng với Viettel Hậu Giang hỗ trợ người dân cài đặt ví điện tử, kết quả có khoảng 60% người dân cài đặt ví. Bên cạnh đó, ra mắt chợ 4.0 với 16 hộ kinh doanh, tiểu thương sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Bằng những nỗ lực đó, Vị Thắng xuất sắc đoạt hạng I trong phong trào thi đua của huyện.
Tập trung cho những mục tiêu tiếp theo
Theo ông Nguyễn Quốc Thống, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vị Thủy, đến nay huyện Vị Thủy có 11 trang Zalo Official Account chính thức hoạt động, đây là kênh tuyên truyền, cập nhật các thông tin về chuyển đổi số phục vụ người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Tỷ lệ hồ sơ được nhập vào cổng dịch vụ công trực tuyến là 11.802 hồ sơ, đạt 100%, trong đó 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được thực hiện toàn trình và một phần. Tỷ lệ người dân, doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ của cơ quan nhà nước đạt trên 90%.
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế số, 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay đã có 12.434 hộ gia đình trên địa bàn có tài khoản Mobile money, hoặc tài khoản Internet Banking sử dụng, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 52,78%. Có 14.269 hộ gia đình trên địa bàn có cài đặt ứng dụng App Hậu Giang, đạt 60,56%.
Ông Nguyễn Quốc Thống thông tin thêm: "Để đạt các chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra trong năm, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu để địa phương ưu tiên nguồn lực thực hiện chuyển đổi số. Đơn vị sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân trong công tác chuyển đổi số. Tập trung thúc đẩy sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số để người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại ngày càng thiết thực hơn".
Nói về định hướng cho năm tiếp theo, ông Nguyễn Công Duy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy, Trưởng ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện, cho biết: Thời gian tới, sẽ tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo thực hiện tốt các kế hoạch chỉ đạo của tỉnh và nhiệm vụ kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước trong xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số huyện Vị Thủy. Xây dựng và ban hành các văn bản quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành về công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, củng cố trang thiết bị, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngang tầm với yêu cầu công việc. Tranh thủ các nguồn tài trợ, đầu tư của cấp trên và các đơn vị. Nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin tại các đơn vị đảm bảo đáp ứng nhu cầu công tác. Tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh triển khai ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, phát huy hiệu quả các ứng dụng dùng chung của tỉnh. Đẩy mạnh gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số, đảm bảo thay thế phương pháp trao đổi văn bản truyền thống bằng văn bản giấy.
Thêm vào đó, tăng cường bảo mật thông tin mạng cho các hệ thống công nghệ thông tin tại các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tăng cường thông tin truyền thông để hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giao tiếp với cơ quan nhà nước qua mạng. Cuối cùng, việc triển khai mô hình Tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng cũng là một phần quan trọng, trong đó tập trung vào tuyên truyền và hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và các ứng dụng trên điện thoại thông minh như Zalo, App Hậu Giang và các chương trình khác do Chính phủ và tỉnh triển khai.