Khó khăn của xã Đông Nam, huyện Đông Sơn trong quá trình thực hiện các tiêu chí chuyển đổi số đó là cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số chưa đồng bộ. Cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa được khai thác hiệu quả; việc đảm bảo an toàn, an ninh mạng còn hạn chế. Đầu năm 2024, ngoài việc triển khai kế hoạch đến từng thôn và tổ công nghệ số cộng đồng, xã còn đầu tư, nâng cấp hệ thống máy vi tính, đường truyền mạng và tập huấn để đội ngũ cán bộ công chức thành thục trong việc sử dụng công nghệ cải cách thủ tục hành chính.
Còn tại xã Định Hòa, trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi số của huyện Yên Định, xã đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến. Đến nay, 11 chỉ tiêu về chính quyền số đã cơ bản hoàn thành. Trong đó, 100% các văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, xử lý, ký số trên môi trường điện tử. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu Quốc gia.
Ông Lê Văn Tành, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hòa, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Vướng mắc nhất là trình độ nhận thức, chưa có tài khoản định danh nên xã triển khai phối hợp với các ban ngành đoàn thể, cán bộ tại bộ phận một cửa trực tiếp hướng dẫn người dân".
Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, các địa phương đang tập trung thực hiện tiêu chí xã hội số. Trong đó, các trạm y tế xã, phường, thị trấn lĩnh vực y tế đã triển khai phần mềm khám chữa bệnh song song với các phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân, phần mềm quản lý y tế cơ sở. Thông qua các phần mềm này, các dữ liệu cá nhân, thông tin tiêm chủng, tiền sử bệnh tật, các chỉ số sinh trắc, cận lâm sàng của người dân được liên thông với cấp trên, tạo thuận lợi hơn cho công tác khám chữa bệnh. Ngoài ra, các xã cũng đã triển khai hệ thống camera giám sát an ninh trật tự tại các tuyến giao thông trục chính, kịp thời phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: " Hiện, chúng tôi đang có hơn 100 camera an ninh, chúng tôi sẽ bàn giao về trưởng tiểu khu quản lý, kết nối với lực lượng công an".
Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa
Ông Nguyễn Quang Hòa, Phó Trưởng Phòng Văn hóa huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: "Năm 2024, huyện Thiệu Hóa sẽ triển khai xây dựng 5 xã về đích chuyển đổi số. Về chính quyền số, chúng tôi sẽ triển khai cho người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, về kinh tế số chúng tôi phối hợp với doanh nghiệp triển khai hợp đồng điện tử".
Điểm mấu chốt để xây dựng thành công nền kinh tế số là thương mại điện tử và nền tảng thanh toán điện tử. Nhưng ở khu vực nông thôn, việc triển khai cả 2 nội dung này đều còn rất hạn chế. Người dân không có thói quen thanh toán trực tuyến và chưa sẵn sàng thay đổi phương thức mua bán hàng từ truyền thống sang môi trường mạng.
Do đó, các địa phương đang tiếp tục tăng cường các giải pháp tuyên truyền để người dân hiểu rõ lợi ích của chuyển đổi số, thiết lập thói quen giao dịch online và sử dụng thiết bị thông minh, máy tính như một công cụ thiết yếu, phục vụ trực tiếp cho đời sống. Cùng với đó, quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin cho các xã theo lộ trình ứng dụng và thực hiện chuyển đổi số, nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp. Qua đó, góp phần đẩy nhanh, mạnh, hiệu quả hoạt động chuyển đổi số cấp xã, bắt kịp với xu thế chuyển đổi số chung.