Đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa với triệu chứng đau bụng không rõ nguyên nhân, chị Nguyễn Thị Khánh (21 tuổi, TP Hà Nội) chia sẻ: “Lần đầu tiên được trải nghiệm khám bệnh tự động sử dụng CCCD gắn chíp và nhận diện khuôn mặt, tôi thấy thủ tục rất nhanh gọn, không rườm rà như trước đó, tiết kiệm thời gian chờ đợi cũng như công sức cho người bệnh rất nhiều.”.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đón tiếp gần 1.000 lượt người bệnh/ngày. Bệnh viện đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác KCB để nâng cao sự hài lòng của người bệnh khi đến KCB tại bệnh viện.
Thời gian qua, Sở Y tế Hà Nội đăng ký kiển khai mô hình 7 “KCB sử dụng sinh trắc học, KIOSK tự phục vụ” tại 3 cơ sở KCB trực thuộc gồm: Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Hòe Nhai, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.
Bà Hoàng Thị Liên Minh được hướng dẫn đăng ký khám bệnh tự động sử dụng căn cước công dân gắn chíp và nhận diện khuôn mặt.
Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, mô hình “KCB sử dụng sinh trắc học, KIOSK tự phục vụ" được triển khai với mục tiêu, người bệnh có thể tự đăng ký khám bệnh và thanh toán phí đăng ký khám nhanh chóng và dễ dàng. Sử dụng thông tin CCCD gắn chip, khuôn mặt là dữ liệu xuyên suốt trong quá trình đăng ký, KCB.
TS Nguyễn Đình Phúc – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết, việc sử dụng máy đăng ký khám bệnh và phát số tự động giúp người bệnh thuận tiện trong việc đăng ký khám bệnh, không phải xếp hàng chờ đợi, rút ngắn thời gian, giảm tải các thủ tục hành chính.
Đồng thời, giúp các y bác sĩ chủ động tiếp nhận thông tin của người bệnh, theo dõi, truy cập lịch sử khám bệnh của bệnh nhân một cách nhanh chóng, dễ dàng, thuận tiện hơn.
“Trong quá trình sử dụng bệnh viện sẽ có những đánh giá để có thể triển khai và nhân rộng mô hình này trong thời gian tới tại đơn vị” - TS Nguyễn Đình Phúc cho hay.
Đem lại sự hài lòng người bệnh
Là bệnh viện hạng I của Hà Nội với 7 chuyên khoa đầu ngành, quy mô 870 giường bệnh, hơn 1.100 nhân viên y tế, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn không ngừng nâng cao chất lượng KCB, phát triển các kỹ thuật mới, chuyên sâu, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số.
Năm 2022, 2023, trung bình mỗi năm số lượng bệnh nhân khám tại bệnh viện đạt hơn 560.000 lượt; trong đó trên 61.000 bệnh nhân điều trị nội trú, 16.000 ca phẫu thuật.
Từ tháng 5/2023, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã thử nghiệm và đưa vào sử dụng kiosk đăng ký khám bệnh tự động sử dụng CCCD gắn chíp và nhận diện khuôn mặt. Cuối tháng 9/2023, bệnh viện đã đưa vào sử dụng hệ thống 5 kiosk.
Đến nay, trung bình mỗi ngày có hơn 1.000 lượt người bệnh đăng ký khám bệnh và thanh toán qua kiosk. Dự kiến đến cuối năm 2024 sẽ có khoảng 90% người dân sử dụng kiosk trong đăng ký khám bệnh và thanh toán viện phí tại bệnh viện.
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình phát triển bệnh viện, với sự đầu tư đồng bộ, bài bản về CNTT, đến nay, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã hình thành, phát triển kho dữ liệu và xây dựng các hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành, bao gồm: App khám bệnh, bệnh án điện tử, app điều dưỡng, ứng dụng AI trong nội soi tiêu hóa và chẩn đoán hình ảnh và kiosk đăng ký khám bệnh tự động.
Theo thống kê của Sở Y tế, 100% bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin HIS; 37/41 bệnh viện đã ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS); 27/41 bệnh viện đã trang bị hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (RIS-PACS) kết nối liên thông kết quả các khoa phòng, hội chẩn liên khoa, báo động đỏ nội viện…
Đặc biệt, các bệnh viện cũng thành lập các nhóm Zalo sẵn sàng tiếp nhận, hội chẩn các ca bệnh khó từ xa. Nhiều bệnh viện đã sử dụng CCCD gắn chíp KCB, thay tế cho thẻ BHYT, đăng ký khám qua Face ID, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) và ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID) khi KCB BHYT.