Công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa.
Những năm qua, sự thành công của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh của tỉnh đã góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước, chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần thực hiện cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Điều này thể hiện rõ qua việc 100% TTHC từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn được chuẩn hóa theo quy trình ISO và được thiết lập vào hệ thống phần mềm một cửa liên thông để thực hiện, theo dõi, giám sát quá trình giải quyết TTHC trong phạm vi toàn tỉnh.
Từ các trung tâm hành chính công đến các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đều đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Cùng với đó, hàng loạt đổi mới khác về ứng dụng chữ ký số, hệ thống phần mềm dùng chung và chuyên ngành, cổng thông tin điện tử, cổng dịch vụ công, hóa đơn điện tử, thanh toán trực tuyến... đã giúp cải thiện tích cực về mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Đội ngũ CBCCVC của các cơ quan, đơn vị, địa phương đều được chuẩn hóa, làm việc khoa học hơn, giải quyết công việc đạt kết quả cao hơn.
Những bước triển khai từ xa, từ sớm, nhằm bắt nhịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo điều kiện thuận lợi cho Quảng Ninh trong nhiệm vụ đẩy nhanh chuyển đổi số toàn diện hiện nay. Đặc biệt, bám sát các mục tiêu nhiệm vụ về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ năm 2022 đến nay, tỉnh xác định việc ứng dụng CNTT, hướng đến chuyển đổi số trong giải quyết TTHC tiếp tục là một trong những giải pháp quan trọng cần phải đẩy mạnh triển khai đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở.
Nội dung này đã được UBND tỉnh cụ thể hóa thông qua hàng loạt văn bản đã được ban hành, như: Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 1/3/2022 của UBND tỉnh triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025; thành lập các Ban Chỉ đạo chuyển đổi số từ cấp tỉnh đến cấp huyện và các sở, ngành. Trong năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 37/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh năm 2023, để cụ thể hóa và chi tiết các mục tiêu, nhiệm vụ cần hoàn thành. Đồng thời với đó, tỉnh cũng tập trung thực hiện Dự án phát triển nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP) đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Bộ TT&TT để đảm bảo kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; nâng cấp hệ thống một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công của tỉnh đáp ứng các yêu cầu về cơ chế một cửa, một cửa điện tử liên thông...
Với nhiều giải pháp tích cực, Quảng Ninh đã ghi nhận thêm những thành tựu nổi bật, như: Tỷ lệ thanh toán trực tuyến qua Cổng dịch vụ công quốc gia thuộc top đầu cả nước; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến toàn trình và tỷ lệ số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cao nhất cả nước. Đặc biệt, hạ tầng số được thúc đẩy mạnh mẽ, hiện vùng phủ sóng di động rộng khắp đến từng thôn, bản vùng sâu, vùng đồng bào DTTS, biên giới, hải đảo; 85% hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng, 86% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh…
Riêng với ngành y tế, trên 99% người dân đã có hồ sơ sức khỏe điện tử. Các cơ sở y tế đã thực hiện nâng cấp phần mềm quản lý thông tin khám chữa bệnh (HIS/LIS/PACS/EMR) tại các bệnh viện, trung tâm y tế; nâng cấp hệ thống quản lý thông tin xã, phường, thị trấn trong quản lý thông tin y tế và khám chữa bệnh; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chẩn đoán, điều trị trong một số chuyên ngành; ứng dụng triển khai các hệ thống đăng ký khám bệnh, trả kết quả trực tuyến.
Trong ngành GD&ĐT, 100% cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên đã triển khai thực hiện quản lý, sử dụng sổ điện tử (sổ theo dõi và đánh giá học sinh/ sổ gọi tên và ghi điểm, sổ đăng bộ, học bạ, sổ chủ nhiệm, sổ sinh hoạt chuyên môn) thay thế cho hồ sơ giấy; 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên sử dụng phần mềm quản lý nhà trường để quản lý toàn diện học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính, tài sản; 100% các cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên có kế hoạch, quy chế tổ chức dạy học trực tuyến được xây dựng lồng ghép trong Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2022-2023...
Quảng Ninh cũng đã cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu NDXP/LGSP. Cụ thể đã hoàn thành việc triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời với đó đã triển khai các hoạt động nâng cao năng lực phát triển và quản trị dữ liệu thuộc phạm vi quản lý; khai thác có hiệu quả các hệ thống thông tin của Trung ương đã được kết nối vào hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh…
Từ những nền tảng đạt được, trong những năm 2024, Quảng Ninh tiếp tục đề ra nhiều giải pháp đột phá để duy trì và phát triển chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực của tỉnh. Trước mắt khai thác có hiệu quả hạ tầng số, phấn đấu đứng trong top 3 của cả nước về lĩnh vực này, trong đó tập trung vào xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh theo công nghệ điện toán đám mây, bảo đảm hạ tầng số để phát triển xã hội số và kinh tế số. Ngoài ra, tỉnh cũng tập trung triển khai chuyển đổi số đối với 8 lĩnh vực cốt lõi, ưu tiên, gồm: Y tế, GD&ĐT, du lịch, công nghiệp, GTVT và logistics, cửa khẩu số, lĩnh vực nông nghiệp; thúc đẩy nhanh hơn nữa việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu của các bộ, ngành, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số, hình thành dữ liệu số, dữ liệu mở để giải quyết các bài toán phát triển KT-XH trong thời gian tới.
Quảng Ninh cũng có chiến lược thông qua tổ công nghệ số cộng đồng đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân một cách nhanh nhất, để thúc đẩy chuyển đổi số đến từng ngõ, ngách và các hộ gia đình, người dân, gắn với cuộc sống của người dân; tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.