Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hội trường UBND tỉnh kết hợp trực tuyến đến UBND cấp huyện và cấp xã trong toàn tỉnh, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông; Trung tâm An toàn thông tin - Tập đoàn VNPT; Công ty An ninh mạng - Tập đoàn Viettel; thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số cấp tỉnh, huyện, xã và các Tổ công nghệ số cộng đồng.
Hội thảo An toàn thông tin trong Chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình năm 2023
Những năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự quyết tâm của các cấp, các ngành, Quảng Bình đã đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đã đạt được kết quả quan trọng trong xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Cùng với đó, công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, nhất là việc bảo vệ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quan trọng của tỉnh đã được triển khai tích cực, khá hiệu quả, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi nhiều âm mưu, hoạt động tấn công, phá hoại của các phần tử xấu, thù địch. Song đứng trước bối cảnh tình hình mất an toàn, an ninh thông tin mạng diễn ra phức tạp, đòi hỏi công tác bảo đảm an toàn thông tin phải được nhận thức, triển khai đầy đủ, toàn diện hơn nữa, đó cũng là câu hỏi đặt ra cho các chuyên gia, các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số các cấp tại Hội thảo “An toàn thông tin trong chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh đã nêu lên tính cấp thiết về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong bối cảnh hiện nay. Từ đó yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các cấp tăng cường các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn các rủi ro, nguy cơ gây mất an toàn, an ninh thông tin, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong công cuộc chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương.
Đồng chí Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã cung cấp thông tin hỗ trợ cho các ngành, các đơn vị và địa phương trong tỉnh nâng cao nhận thức, kiến thức cơ bản về công tác bảo đảm an toàn thông tin trong kỷ nguyên số; các nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp trọng tâm cần triển khai, thực hiện; các nền tảng, giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng có thể triển khai, áp dụng ở địa phương.
Chuyên gia Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam - Cục An toàn thông tin cung cấp thông tin tại Hội thảo
Có thể thấy, Hội thảo An toàn thông tin trong chuyển đổi số tỉnh Quảng Bình chính là dịp để các chuyên gia cùng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chuyên trách về công tác chuyển đổi số của tỉnh chia sẻ tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của công tác bảo đảm an toàn thông tin, cùng các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ công nghệ nắm bắt các giải pháp công nghệ thiết thực, hữu hiệu trong giám sát, cảnh báo, xử lý, khắc phục hậu quả sự cố an toàn thông tin có thể xảy.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, đồng chí Hoàng Hữu Thái, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh khẳng định: Đa số các tham luận, ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất đánh giá, nhận định trong thời gian gần đây nguy cơ mất an toàn, an ninh mạng có những diễn biến hết sức phức tạp, mức độ và phạm vi ngày càng lớn, đặc biệt là nguy cơ mất an toàn thông tin trong các hệ thống thông tin của nhà nước. Do đó, đòi hỏi các cấp, các ngành cần có sự quan tâm đúng mực cho công tác bảo đảm an toàn thông tin.
Hội thảo đã tập trung làm rõ thực trạng an toàn thông tin trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; những khó khăn, thách thức, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, các giải pháp thiết thực. Thông qua hội thảo này, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn cần nâng cao nhận thức và kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt công tác bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị mình.
Các tham luận và ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng đã chia sẻ kinh nghiệm, nêu ra những khó khăn mà thực tế tại mỗi cơ quan, đơn vị đang gặp phải. Trong đó, một số nơi nhận thức chưa cao, thiếu sự quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện bảo đảm an toàn thông tin; đội ngũ nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin còn thiếu nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng; chưa có chế độ đãi ngộ thu hút nhân lực trình độ chuyên môn cao, gây khó khăn cho công tác bảo đảm an toàn thông tin. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm ATTT vẫn chưa tương xứng với tầm quan trọng của nhiệm vụ này.
Từ những nhận định, ý kiến rút ra tại Hội thảo, đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể trong thời gian tới, cụ thể:
Trước hết, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người đứng đầu tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, các doanh nghiệp và cá nhân người dùng trong việc bảo đảm an toàn thông tin. Tập trung đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ phụ trách an toàn thông tin tại cơ sở. Đồng thời, cần đầu tư trang bị thiết bị kiểm tra an toàn thông tin, triển khai giám sát tại các đơn vị, đưa kết quả thực hiện bảo đảm an toàn thông tin vào tiêu chí thi đua ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương; tham mưu đề xuất, kiến nghị bố trí kinh phí tương xứng, cho công tác đảm bảo an toàn thông tin.
Thứ hai là các cơ quan, đơn vị, địa phương cần có sự phối hợp trong việc triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin, giúp công tác này được thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng và đạt hiệu quả cao. Đây chính là điều kiện cần để công tác chuyển đổi số của tỉnh phát triển một cách bền vững, bảo đảm mục tiêu xây dựng chính quyền số và phát triển kinh tế, xã hội.
Thứ ba là rà soát, chỉnh sửa bổ sung, ban hành đầy đủ các quy chế, quy định về an toàn an ninh thông tin; thực hiện, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chính sách an toàn thông tin của Trung ương, của tỉnh; các cơ quan, đơn vị cần ban hành, triển khai quy chế nội bộ về công tác đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số phù hợp.
Thứ tư là đẩy mạnh hợp tác, phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong bảo đảm ATTT, đồng thời chủ động, tích cực tham gia hợp tác với các đơn vị: Cục An toàn thông tin mạng, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC) và các tổ chức an ninh mạng khác để thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin cũng như xử lý, khắc phục khi có sự cố xảy ra về an toàn thông tin mạng.
Từ những vấn đề rút ra về mặt được, chưa được và giải pháp được các chuyên gia đề xuất trong các tham luận, các ý kiến đóng góp tại Hội thảo, hy vọng các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị sẽ nhận thức đầy đủ hơn, chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả hơn công tác bảo đảm an toàn thông tin, góp phần thúc đẩy nhanh và duy trì tính bền vững của công cuộc chuyển đổi số tỉnh nhà./.