Để nhiệm vụ chuyển đổi số triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 5/2/2022 về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó xác định, việc thực hiện chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính mục tiêu đến năm 2023 sẽ hoàn thành 100% số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã được giải quyết thành công ở cả 3 cấp. Đến năm 2024, bảo đảm 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính được ký bằng chữ ký số và trả cho người dân trên môi trường mạng. Phấn đấu đến năm 2025, nằm trong nhóm 3 tỉnh, thành dẫn đầu về chuyển đổi số với 3 trụ cột chính bao gồm: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Để đạt mục tiêu đã đề ra, Quảng Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số để các chủ thể, đặc biệt là người dân tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tham gia hiệu quả vào quá trình chuyển đổi số.
Với cách làm chủ động, quyết liệt, sáng tạo được triển khai từ tỉnh đến cơ sở và người dân, chuyển đổi số Quảng Ninh đã gặt hái được những thành công ấn tượng. Hiện trên bảng xếp hạng chuyển đổi số (DTI) năm 2022, ở nhóm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Quảng Ninh đã vươn lên vị trí thứ 3, tăng 4 hạng so với năm 2021. Với giá trị DTI đạt 0.7024 điểm (tăng 0,2052 điểm so với năm 2021) chỉ xếp sau TP Đà Nẵng (0.8002 điểm), TP Hồ Chí Minh (0.7163 điểm).
DTI cấp tỉnh năm 2022 được cấu trúc theo 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó bao gồm 9 chỉ số chính là: Nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, đô thị thông minh, hoạt động chính quyền số, hoạt động kinh tế số, hoạt động xã hội số, với 98 chỉ số thành phần.
Điểm số và thứ hạng của Quảng Ninh ở 3 trụ cột lần lượt là: Chính quyền số 0,7804, xếp hạng 4 (tăng 1 bậc so với năm 2021); Kinh tế số 0,7187, xếp hạng 9 (tăng 5 bậc so với năm 2021) và Xã hội số 0,6864 điểm, xếp hạng 2 (tăng 1 bậc so với năm 2021).
Để có được kết quả ấn tượng trên là sự cố gắng, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện chuyển đổi số từ tỉnh đến cơ sở. Trong đó hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản trị nội bộ, xử lý hồ sơ công việc được thực hiện trên môi trường mạng ở cả 3 cấp. Hiện đã có 1.034 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn tỉnh (đạt 81%); đã tích hợp, kết nối 1.244 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên Cổng Dịch vụ Công quốc gia. Việc xử lý giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức cũng được thực hiện toàn tỉnh gắn với chữ ký số ở từng bước, đảm bảo công khai, minh bạch.
Từ tháng 6 năm 2022, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử, có 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (đạt 95,7% chỉ tiêu). Tỉnh cũng triển khai mạnh mẽ việc thanh toán số, hiện 99,2% số thu ngân sách nhà nước gồm thuế, phí, lệ phí được thực hiện bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Các loại tiền điện, nước sinh hoạt, học phí, viện phí cũng cơ bản thanh toán trực tuyến. 13/13 địa phương toàn tỉnh đều đã áp dụng mô hình Chợ 4.0 với các chợ trung tâm và chợ hạng I. Đã có gần 350 sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chuẩn từ 3-5 sao được đưa lên các sàn thương mại điện tử lớn. 13/13 địa phương trong toàn tỉnh đã thành lập hàng ngàn tổ công nghệ số cộng đồng, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố.
Quảng Ninh đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện và đạt được những kết quả ấn tượng. Chuyển đổi số cũng mang lại những thành quả nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thay đổi, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Quảng Ninh đang tiếp tục nỗ lực không ngừng để chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, chú trọng khắc phục, cải thiện những chỉ số thành phần còn yếu, chưa đạt, qua đó nâng cao hơn nữa thứ hạng chuyển đổi số trong những năm tới.