Tổ CĐS cộng đồng có nhiệm vụ truyền tải nhanh nhất các chính sách mới, những thông báo mới của huyện, xã đến từng người dân qua hệ thống các nhóm zalo, mới đây nhất là việc triển khai cài đặt ứng dụng công dân số (YenBai-S).
Ngay trong tháng 5, xã đã có gần 6% công dân cài đặt ứng dụng. Lâm Thượng cũng là địa phương dẫn đầu toàn huyện về dịch vụ công trực tuyến.
Ông Hoàng Văn Cói - quyền Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Ban Chỉ đạo CĐS xã Lâm Thượng cho biết: "Qua tuyên truyền và thực hiện đúng đảm bảo hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến của xã đạt tỷ lệ 48%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 62%, tỷ lệ số hóa hồ sơ 63%. Quá trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, người dân được cán bộ một cửa xác thực danh tính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh một lần duy nhất khi đến nộp hồ sơ lần đầu, cán bộ cấp xã tiếp nhận hồ sơ giải quyết theo quy trình, quy định. Các văn bản trả kết quả của cơ quan, đơn vị được ký số điện tử để xác thực”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy về CĐS, huyện Lục Yên tổ chức quán triệt đến toàn bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân, từng bước đổi mới hình thành tư duy cho đội ngũ cán bộ, công chức về phát triển và ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước; tăng cường phổ biển các chủ trương, chính sách, chiến lược về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS của Đảng và Nhà nước.
Huyện cũng chỉ đạo tuyên truyền về CĐS sâu rộng bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền qua các hội nghị, tuyên truyền miệng, xe loa cổ động, pa nô, chỉ đạo Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện mở chuyên mục CĐS trên hệ thống phát thanh, Trang Thông tin điện tử của huyện, thực hiện phát sóng hàng ngày và thường xuyên đưa các tin, bài về hoạt động, kết quả thực hiện CĐS; chỉ đạo đài truyền thanh cơ sở tiếp, phát sóng đài trung ương, tỉnh, huyện về công tác CĐS nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo đồng thuận trong xã hội và toàn hệ thống chính trị.
Đến nay, Lục Yên cấp 900 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức; 60 tài khoản cho các cơ quan đơn vị và các xã, thị trấn, triển khai gửi, nhận văn bản giữa các đơn vị trong huyện, với cơ quan, ban, ngành của tỉnh trên môi trường mạng (trừ văn bản mật) và dần áp dụng chữ ký số chuyên dùng của Ban Cơ yếu Chính phủ để ký số gửi văn bản đi.
Hiện nay, cấp cho 12 phòng chuyên môn thuộc UBND huyện, 24 xã, thị trấn và 550 chữ ký số cá nhân lãnh đạo và công chức các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn để thực hiện ký số văn bản điện tử gửi, nhận trên môi trường mạng thay thế văn bản giấy và giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công. Toàn huyện có 25 điểm cầu hội nghị truyền hình trực tuyến. 100% các xã, thị trấn được xây dựng Trang thông tin điện tử. Huyện đã thành lập tổ CĐS cộng đồng tại 24/24 xã, thị trấn.
Bà Nông Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Yên cho biết: "Triển khai thực hiện Nghị quyết số 51 của Tỉnh ủy, huyện bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Nhận thức của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ công chức, viên chức về CĐS đã có chuyển biến tích cực. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác CĐS trên địa bàn huyện Lục Yên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: hạ tầng công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ; kinh nghiệm triển khai thực tế cũng như nguồn lực bố trí phục vụ cho CĐS của huyện còn hạn chế, nguồn nhân lực còn thiếu; CĐS trong các ngành, lĩnh vực còn chậm, đặc biệt đối với các ngành, lĩnh vực huyện có lợi thế như nông nghiệp, y tế, giáo dục”.
Để khắc phục những hạn chế, thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành tạo nền tảng phát triển chính quyền số huyện Lục Yên bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Thiết lập môi trường làm việc số đồng bộ trong cơ quan hành chính của huyện đảm bảo thông suốt phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của chính quyền các cấp; đẩy mạnh việc ứng dụng hệ thống chữ ký số và chứng thực điện tử tại các cơ quan nhà nước của huyện đáp ứng nhu cầu gửi, nhận văn bản điện tử, đảm bảo giá trị pháp lý trong giao dịch điện tử, đảm bảo bí mật Nhà nước.
Nâng cao tỷ lệ hồ sơ, thủ tục hành chính tiếp nhận, xử lý, giải quyết trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp tại Bộ phận Phục vụ hành chính công huyện và các xã, thị trấn; đảm bảo các hồ sơ, thủ tục hành chính sẽ được giải quyết nhanh chóng, thuận tiện, hạn chế khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả.