Toàn cảnh hội nghị
Chọn cách làm riêng để phát triển
Yên Bình là một trong hai địa phương (cùng với thị xã Nghĩa Lộ) thành lập Ban chỉ đạo công tác CĐS huyện do trực tiếp đồng chí Bí thư Huyện uỷ làm Trưởng ban chỉ đạo. 24/24 xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo về CĐS. Huyện uỷ Yên Bình đã ban hành Kế hoạch số 81-KH/HU ngày 15/02/2022 về CĐS huyện năm 2022 và giai đoạn 2022 - 2025, trong đó đặt ra 28 mục tiêu cho năm 2022, đã hoàn thành 24/28 mục tiêu (chiếm 85,6%), 04/28 mục tiêu chưa đạt (chiếm 14,4%).
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Yên Bình An Hoàng Linh phát biểu tại Hội nghị
Kết quả xếp hạng chỉ số CĐS các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2022, huyện Yên Bình xếp thứ 3/9 huyện thị xã, thành phố với tỷ lệ hoàn thành là 83,99%. Về hạ tầng số, 100% xã, thị trấn được phổ cập dịch vụ mạng di động 4G đảm bảo chất lượng tốt; 100% cán bộ, công chức, viên chức, được trang bị máy tính làm việc tại cơ quan; 177/177 nhà văn hóa thôn, tổ dân phố đã triển khai lắp đặt mạng Wifi tốc độ cao.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở TT&TT Yên Bái Hoàng Minh Tiến cho biết Yên Bái đã xác định CĐS cấp huyện bắt buộc phải có cán bộ CNTT. Huyện Yên Bình đã nỗ lực để 100% các thôn kết nối Internet. Huyện Yên Bình và Sở TT&TT đã lập nhóm công tác CĐS. Việc CĐS của huyện Yên Bình hiện nay có cả cán bộ phòng văn hoá thông tin tham gia.
Trước các kết quả CĐS của Yên Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc đề nghị huyện Yên Bình phải quyết tâm hơn nữa trong công tác CĐS, xác định thực hiện CĐS với những bước vững chắc và lựa chọn cách làm riêng để phát triển. Phó Chủ tịch Ngô Hạnh Phúc cũng đề nghị Bộ TT&TT tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để huyện tiếp tục tiếp cận được công nghệ để làm tốt công tác CĐS.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc phát biểu tại Hội nghị
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng bày tỏ ấn tượng với những kết quả CĐS Yên Bái đạt được nói chung, đặc biệt là nỗ lực của nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Thứ trưởng cho biết người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong CĐS và mong Yên Bình có bước phát triển đột phá trong thời gian tới, trong đó coi CĐS như là một phương thức phát triển mới.
Yên Bình mới đi được nửa con đường CĐS
Trong CĐS, theo Thứ trưởng, là nhận thức, sau khi có nhận thức thì hành động. Hành động lặp lại sẽ trở thành thói quen. Thói quen lặp đi lặp trong sẽ trở thành văn hoá và văn hoá là tiền đề của sự phát triển bền vững. “CĐS là vấn đề mới, những gì mà Yên Bình đạt được hết sức đáng khích lệ nhưng Yên Bình mới chỉ đi được một nửa con đường, tức là mới có nhận thức, đang bắt đầu hành động nhưng để phát triển bền vững cần phải hành động trong thời gian đủ dài. Do đó phải cố gắng”.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Hội nghị
Cũng theo Thứ trưởng, CĐS có điểm bắt đầu nhưng khó xác định điểm kết thúc và mong huyện Yên Bình sẽ duy trì sự cố gắng trong 5, 10, 20 năm nữa để có được kết quả phát triển bứt phá.
Thứ trưởng nhận định Yên Bình đủ điều kiện phát triển xanh, số khi huyện có khoảng 170 công chức, 2.000 viên chức, 10 vạn dân tức là quy mô sẽ còn liên tục thay đổi. Tỉnh Yên Bái cũng kỳ vọng cao hơn đối với Yên Bình khi có đầy đủ điều kiện để trở thành huyện có bản sắc riêng.
Về chính quyền số, Thứ trưởng mong muốn Yên Bình tập trung vào dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) để huyện cùng với tỉnh Yên Bái thúc đẩy nâng cao việc cung cấp DVCTT để người dân, công chức sử dụng DVCTT một cách thực chất hơn, nhiều hơn mà không cần đến cơ quan chức năng cũng vẫn có thể thực hiện DVCTT một cách dễ dàng. Đây là điểm quan trọng nhất của chính phủ điện tử, chính phủ số.
Huyện Yên Bình khởi động, triển khai Hệ thống Giáo dục thông minh; Hệ thống báo cáo thông minh; chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội
Về kinh tế số, Thứ trưởng cho rằng điểm đột phá của Yên Bình là du lịch, trong đó có điểm du lịch Hồ Thác Bà, một tài sản vô giá của Yên Bình. Nếu làm được du lịch Hồ Thác Bà tốt sẽ tạo nên điểm đột phá cho kinh tế số của tỉnh.
Về xã hội số, điểm đột phá cho huyện Yên Bình là phổ cập kỹ năng số cho 10 vạn dân nhanh và tốt. Đây là sức mạnh tiềm tàng nếu làm đúng sẽ mang lại sức mạnh đột phá lớn. Khi người dân có kỹ năng số người dân sẽ tự tìm ra cách làm kinh tế số, chính phủ số, xã hội số.
UBND huyện Yên Bình ký kết chương trình phối hợp về chuyển đổi số huyện Yên Bình giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 với Sở TT&TT; VNPT Yên Bái, Viettel Yên Bái
Thứ trưởng cũng cho biết để CĐS bền vững cần kết hợp giữa những người lão thành có kinh nghiệm với người trẻ có nhiều hoài bão để CĐS. Huyện Yên Bình có thể nghiên cứu thành lập hội đồng tư vấn CĐS của huyện, có người lão thành và có các bạn trẻ xuất sắc toàn quốc, hoặc tại tỉnh để góp ý, tư vấn, phản biện cho Yên Bình để tìm ra sự đặc sắc trong quá trình CĐS Yên Bình.
Thứ trưởng cũng cho biết Bộ TT&TT sẽ chính thức công bố mô hình, tiêu chí đánh giá và kết quả đánh giá CĐS của các xã, huyện trên toàn quốc. Theo đó, huyện Yên Bình có thể quan tâm để vừa có lý luận, vừa có thực tiễn về CĐS./.