Trong cả ba lần giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam được tổ chức, Đà Nẵng đều được ghi nhận và vinh danh là thành phố thông minh xuất sắc nhất. Cùng với đó, địa phương này còn giành giải trong các lĩnh vực giao thông và logistics thông minh; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ứng dụng thông minh phục vụ công dân và doanh nghiệp.
Không những thế, liên tiếp trong 2 năm Bộ TT&TT thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương – DTI, Đà Nẵng đều dẫn đầu khối địa phương. Trong đó, năm 2021, thứ hạng của Đà Nẵng về các hoạt động chính quyền số, kinh tế số và xã hội số lần lượt là 2, 2 và 1.
Riêng về phát triển đô thị thông minh, đánh giá sơ bộ về thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh của 18 địa phương của Bộ TT&TT cho thấy, Đà Nẵng là địa phương đã đạt được kết quả nổi bật.
Bài học kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện thành phố thông minh
Trao đổi tại hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022 diễn ra mới đây, Tiến sĩ Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã chia sẻ về bài học kinh nghiệm của địa phương trong việc triển khai thực hiện thành phố thông minh.
Trước hết, đó là quyết tâm chính trị, cam kết của lãnh đạo thành phố thông qua các chủ trương nghị quyết, chính sách vĩ mô; các kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, địa phương. Cùng với đó, thành phố đã xác định mục tiêu hướng đến 1 hệ thống thông minh toàn diện với 1 chiến lược tổng thể về công nghệ bền vững, mà mỗi trụ cột phát triển sẽ hỗ trợ, thúc đẩy, tạo ra các sáng kiến và động lực phát triển mới một cách tuần hoàn.
Một bài học kinh nghiệm nữa của Đà Nẵng là hiểu rõ thế mạnh, hạn chế của địa phương, từ đó xác định những vấn đề cần ưu tiên thực hiện phù hợp với nguồn lực nhằm đảm bảo khả năng và tiến độ đạt được mục tiêu đề ra. Ban hành Kiến trúc kỹ thuật Thành phố thông minh và triển khai đảm bảo tuân thủ theo Kiến trúc để có lộ trình đồng bộ, kế thừa, tương thích và hiệu quả.
Đại diện UBND thành phố Đà Nẵng cũng cho rằng, cần lựa chọn triển khai thí điểm trong phạm vi hẹp, đánh giá kết quả làm cơ sở triển khai nhân rộng, không làm dàn trải, quy mô lớn.
Mặt khác, một dự án thành phố thông minh cần tính đến khía cạnh nhân văn, xã hội và môi trường và cần phải kết hợp đầy đủ các khía cạnh liên quan đến quản trị, cơ sở hạ tầng, con người và xã hội. Bên cạnh đó, cần huy động hợp tác quốc tế và trong nước; triển khai phát triển đô thị thông minh gắn với phát triển sản phẩm “Made in Việt Nam” và phát triển kinh tế số của thành phố.
3 giai đoạn trong lộ trình triển khai thành phố thông minh
Ông Lê Quang Nam cho rằng, để trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, kết nối đồng bộ với khu vực và thế giới, Đà Nẵng đã và đang quyết tâm, nỗ lực, chủ động triển khai, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm hướng đến xây dựng TP thông minh một cách bền vững.
Bên cạnh đó, cách tiếp cận của Đà Nẵng trong xây dựng TP thông minh được xác định hạ tầng pháp lý là nền tảng quan trọng làm động lực thúc đẩy, Đà Nẵng đã chủ động ban hành các chủ trương, chính sách và Khung Kiến trúc để định hướng phát triển TP thông minh.
“Điều này thể hiện ở Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 khi xác định 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và CNTT, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, TPTM, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số. Đà Nẵng đã điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn đến 2045, lồng ghép các giải pháp xây dựng TP thông minh trong phát triển đô thị; bổ sung ứng dụng ICT trong hạng mục quy hoạch đô thị và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị nhằm nâng cao hiệu quả quản lý đô thị và cung cấp các dịch vụ, tiện ích thông minh cho người dân”- ông Nam cho hay.
Ông Nam cho biết, từ những năm 2000, Đà Nẵng đã bắt đầu triển khai chính quyền điện tử. Năm 2010, TP đã ban hành Kiến trúc tổng thể Chính quyền điện tử và năm 2014 đưa vào sử dụng chính thức Hệ thống thông tin Chính quyền điện tử TP.
Xây dựng TP thông minh là bước tiếp theo của Chính quyền điện tử được Đà Nẵng triển khai theo 3 trục: hạ tầng - dữ liệu - thông minh, với nguyên tắc “một nền tảng, đa đối tác, đa ứng dụng, người dân làm trung tâm”, trong đó vai trò của dữ liệu là nền tảng chính. Năm 2018, thành phố ban hành Kiến trúc tổng thể TP thông minh và ban hành, chính thức triển khai Đề án xây dựng TP thông minh giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.
Và cho đến nay, Đà Nẵng xác định chuyển đổi số là “chìa khóa” để giải quyết “điểm nghẽn” của TP, mở ra không gian phát triển mới, toàn diện và bền vững; là công cụ, phương tiện xây dựng thành công TP thông minh.
“Lộ trình triển khai TP thông minh được Đà Nẵng thực hiện theo 3 giai đoạn: Giai đoạn đến 2020: Sẵn sàng hạ tầng, nền tảng và dữ liệu thông minh; Giai đoạn đến 2025: Thông minh hóa các ứng dụng; Giai đoạn đến 2030: Thông minh hóa ứng dụng cộng đồng; và hoàn thành xây dựng đô thị thông minh, kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN theo mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
"Để đảm bảo thống nhất cách tiếp cận và mô hình triển khai, kết nối đồng bộ, liên thông và triển khai hiệu quả, Đà Nẵng triển khai TP thông minh theo Khung Kiến trúc với 6 trụ cột gồm: quản trị thông minh, kinh tế thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, đời sống thông minh, công dân thông minh; với 16 lĩnh vực chuyên ngành ưu tiên triển khai”- ông Nam chia sẻ thêm.