Chi tiết tin

A+ | A | A-

Góp phần lan tỏa công nghệ số trong cộng đồng

Ngày đăng: 14:21 | 01/12/2022 Lượt xem: 213

Để đưa công nghệ số vào cuộc sống, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã chỉ đạo thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng. Đến nay, các tổ đã từng bước đưa công nghệ, kỹ năng số đến gần hơn với người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình.

 

 

Doan-vien.jpg

Nhờ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, mà thời gian gần đây, ông Trần Văn Phước, ở ấp Chợ, xã Trung Bình đã biết nhiều hơn các tính năng của chiếc điện thoại thông minh, đặc biệt là cài đặt các ứng dụng tiện ích như: Viettel Money, VNPT Money, Sổ sức khỏe điện tử… đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Ông Phước chia sẻ: “Tôi thấy rất tiện lợi, những ứng dụng này giúp tôi thanh toán các chi phí tiền điện, nước dễ dàng hay có thể được tư vấn y tế ngay trên điện thoại mà không cần đi xa mất nhiều thời gian”.

Cũng như ông Phước, bà Trịnh Thị Thu Lẹ ở ấp Thanh Liêm, xã Đại Ân 2 cho rằng, từ khi có tổ công nghệ số cộng đồng nhiệt tình hướng dẫn cài đặt các ứng dụng thiết yếu, việc thanh toán tiền điện, nước hàng tháng hay việc nạp tiền điện thoại cũng trở nên dễ dàng hơn trước đây rất nhiều. Thay vì ra tận các điểm đóng tiền cho các dịch vụ trên, thì nay chỉ cần vài thao tác trên điện thoại thông minh có kết nối mạng là mọi thứ được giải quyết xong.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đại Ân 2 Trần Luôn, trên địa bàn xã đã thành lập 5 tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó, bí thư chi bộ hoặc bí thư chi đoàn ấp là tổ trưởng. Thời gian qua, các tổ đã phối hợp với nhà mạng để hướng dẫn người dân sử dụng các phần mềm thanh toán không dùng tiền mặt và nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao của người dân.

Hiện nay, Trần Đề có 57 tổ công nghệ số cộng đồng. Mỗi tổ không quá 10 người gồm các thành viên là: ban nhân dân, đoàn thanh niên ấp và những người ở địa phương có kỹ năng sử dụng nền tảng số, có khả năng tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số. Qua thời gian hoạt động, các thành viên trong tổ đã và đang từng bước giúp người dân địa phương tiếp cận, tạo thói quen với công nghệ số bằng cách trực tiếp đến từng hộ dân tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chuyển đổi số. Đặc biệt là việc hướng dẫn người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công đang góp phần tạo thúc đẩy thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống.

Theo Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Trần Đề Trần Cẩm Tú, Trần Đề là một trong những huyện được chọn làm điểm thực hiện chuyển đổi số của tỉnh. Việc thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng được xem là cầu nối của chính quyền địa phương trong chuyển đổi số đến người dân, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số đến toàn xã hội. Để tổ công nghệ số cộng đồng phát huy hiệu quả, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu hết nhiệm vụ và lợi ích thiết thực của chuyển đổi số; đồng thời, tiếp tục tập huấn, hướng dẫn, phổ cập kỹ năng cho thành viên của tổ công nghệ số cộng đồng, nhất là việc phát huy vai trò tối đa của đoàn thanh niên trong tổ vì được mong đợi là lực lượng nòng cốt. Ngoài ra, cần sự phối hợp của ngành chức năng và doanh nghiệp viễn thông để các tổ công nghệ số phát huy hiệu quả cao.

Để thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIV về chuyển đổi số tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội, trong đó người dân phải tích cực tham gia, sử dụng các nền tảng số để nâng cao năng suất lao động và đời sống vật chất, tinh thần. Do đó, các tổ công nghệ số cộng đồng ở huyện Trần Đề đang giúp người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.

 

 

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: