Ảnh minh họa
Phát biểu tại phiên họp, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương sớm ban hành Chương trình CĐS và triển khai mạnh mẽ, đến nay tỉnh đã phê duyệt Chương trình CĐS tỉnh đến 2025, định hướng đến 2030. Mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế là phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực.
Cùng với việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trên mọi lĩnh vực của đời sống, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều kết quả nổi bật. Đô thị thông minh trở thành mô hình phổ biến trong điều hành, vận hành hệ thống quản lý Nhà nước và xã hội; kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển KT-XH. Đến nay, Trung tâm Điều hành UBND tỉnh, Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh vận hành có hiệu quả; cơ sở hạ tầng thông tin bước đầu được đầu tư hiện đại; nhiều hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được triển khai; việc gửi, nhận văn bản điện tử được liên thông cả 4 cấp hành chính; trên 75% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến được triển khai từ cấp tỉnh đến cấp xã. CNTT trên địa bàn tỉnh có bước phát triển, số lượng DN đăng ký thuộc lĩnh vực này tăng dần qua từng năm, lực lượng lao động trong các DN thuộc lĩnh vực CNTT được đào tạo bài bản, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu xã hội.
Tại phiên họp, các đại biểu là thành viên ban chỉ đạo, các sở ngành đã chia sẻ, đóng góp kinh nghiệm chuyển đổi số ở từng cơ quan đơn vị, đồng thời bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn còn tồn tại trong việc cụ thể hóa, triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chương trình, chiến lược của Chính phủ và Nghị quyết của Tỉnh ủy về chuyển đổi số.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình, nhấn mạnh trong xu thế phát triển hiện nay thì Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương rất quan tâm đến việc thực hiện chuyển đổi số. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị thời gian tới các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện quyết liệt công tác chuyển đổi số đạt kết quả theo các chỉ tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy, Đề án UBND tỉnh ban hành. Từ đó, cần nhận rõ những cái đạt được, và những cái chưa đạt được. Trên cơ sở bộ tiêu chí, cần triển khai và đánh giá chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện chuyển đổi số vào các hoạt động cơ quan, đơn vị địa phương đảm bảo phù hợp.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình yêu cầu các ngành, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi để người hiểu và tích cực thực hiện công tác chuyển đổi số với tinh thần người dân là chủ thể, trung tâm. Đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn lực để thực hiện CĐS. Đồng thời, phổ biến các phần mềm, các ứng dụng tiện ích cho người dân biết sử dụng hiệu quả như: Dịch vụ công trực tuyến, phản ánh hiện trường, thanh toán không dùng tiền mặt, sổ khám sức khỏe điện tử, khai thuế điện tử...