Chi tiết tin

A+ | A | A-

Cần Thơ: Ngành công an tiên phong trong công tác chuyển đổi số

Ngày đăng: 15:26 | 26/10/2022 Lượt xem: 241

Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số đặt ra 7 nhóm lĩnh vực công tác với 32 nhiệm vụ cụ thể để góp phần tạo nền móng cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, đã trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ một số nội dung liên quan vấn đề này.

 * Chuyển đổi số thì công tác đảm bảo an toàn thông tin, cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp và phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt quan trọng. Công an TP Cần Thơ đã triển khai công tác này thế nào, thưa Thiếu tướng?

- Thực hiện kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 của Bộ Công an, Công an TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch triển khai bám sát chỉ đạo của Bộ Công an, đặc biệt là 05 nhóm tiện ích trong thực hiện Đề án 06 của Chính phủ (Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) gồm: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Công an thành phố đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt công tác làm sạch dữ liệu thông tin dân cư, đảm bảo thông tin dân cư “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ xác thực chính xác thông tin khi kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư với các CSDLQG khác và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân trong giao dịch dân sự và giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển công dân số theo yêu cầu của Đề án 06.

Bên cạnh đó, Công an thành phố cũng đã triển khai cấp định danh điện tử tại 83/83 xã, phường, thị trấn trên ứng dụng VneID được cài đặt trên các thiết bị di động thông minh cho tất cả công dân trên địa bàn thành phố (đã triển khai 3 mô hình điểm tại các phường: Hưng Phú, Tân An, Trà Nóc). Công an thành phố đang thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn theo Quyết định 10695/QĐ-BCA của Bộ Công an về phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cung cấp trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an năm 2022. Trong 9 tháng năm 2022, Công an thành phố đã tiếp nhận và giải quyết trên 726.327 hồ sơ trực tuyến; trong đó, nổi bật là các nhóm dịch vụ công về đăng ký lưu trú trên mạng Internet; cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; đăng ký thường trú; đăng ký tạm trú. Điều này không chỉ giảm thời gian đi lại cho người dân và doanh nghiệp, mà còn đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.

Trong thời gian qua, việc bảo mật các thông tin, dữ liệu lưu trữ trong thẻ căn cước công dân (CCCD) cũng như thông tin về tài khoản định danh điện tử, Công an thành phố chưa phát hiện hoặc tiếp nhận trường hợp thông tin bị lộ, mất dữ liệu công dân trên môi trường mạng.

20221025-pg1.jpg

Ảnh minh hoạ

* Quá trình chuyển đổi bao giờ cũng rất khó khăn ban đầu, đặc biệt là chuyển đổi số công tác quản lý dân cư. Thiếu tướng có thể thông tin cụ thể hơn những kết quả thực hiện của Công an Cần Thơ?

- Với vai trò là cơ quan thường trực trong việc tham mưu triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Công an thành phố đã phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu Chủ tịch UBND thành phố thành lập Tổ công tác thành phố và ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành. Đến nay, thành phố đã thành lập tổ công tác từ cấp thành phố đến các ấp, khu vực đạt 100% (692 tổ).

Hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng Công an thành phố trong thực hiện Đề án 06 là cố gắng đẩy mạnh công tác làm sạch dữ liệu dân cư và hoàn thành công tác cấp CCCD gắn chip cho công dân trong độ tuổi trên địa bàn thành phố đạt 100%. Đến nay, công tác làm sạch dữ liệu cơ bản đạt được nhiều nội dung đề ra, công tác cấp CCCD đạt trên 81%; số còn lại đang triển khai quyết liệt để hoàn thành chỉ tiêu 100% từ nay đến cuối năm 2022. Việc triển khai thực hiện cấp tài khoản định danh điện tử cũng là một trong những nội dung đang triển khai thực hiện quyết liệt từ nay đến cuối năm.

Mục tiêu hoàn thành công tác cấp CCCD gắn chip và cấp tài khoản định danh điện tử là nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công dân đối với việc xác thực thông tin công dân trong thực hiện các giao dịch dân sự cũng như trong thực hiện các thủ tục hành chính sau khi Sổ hộ khẩu và Sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng sau ngày 31-12-2022.

Ngoài ra, lực lượng Công an thường xuyên phối hợp các cơ quan, ban ngành thực hiện công tác làm sạch các dữ liệu như dữ liệu tiêm chủng, bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội, thông tin của các hội viên Hội Nông dân và các đoàn thể chính trị xã hội…

Trong công tác giải quyết thủ tục hành chính, với 25 thủ tục dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06, Công an thành phố cũng thường xuyên trao đổi các cơ quan, ban ngành có liên quan để tham mưu UBND thành phố chỉ đạo trên toàn thành phố. Riêng đối với 11 thủ tục do Bộ Công an chủ trì, từ khi triển khai đến nay, Công an thành phố đã tiếp nhận hơn 9.000 hồ sơ nộp qua cổng dịch vụ công trực tuyến và Công an thành phố đang triển khai 3 Mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến và cấp tài khoản định danh điện tử tại Công an 3 phường: Hưng Phú, Tân An, Trà Nóc để tạo điều kiện cho công dân được trải nghiệm và thực hiện dịch vụ công trực tuyến cũng như đăng ký tài khoản định danh điện tử.

* Qua thực tế triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Thiếu tướng có nhận định gì về vấn đề này?  

- Có thể nói, thực hiện Đề án 06 nói chung và chuyển đổi số nói riêng, Công an thành phố luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Bộ Công an, UBND thành phố và các đơn vị có liên quan. Vừa qua, Cục Cảnh sát QLHC về TTXH đã phối hợp Công an thành phố triển khai các Mô hình dịch vụ công trực tuyến tại các đơn vị cơ sở trên địa bàn Cần Thơ, nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và lợi ích của dịch vụ công, ứng dụng thẻ CCCD gắn chip, định danh điện tử đối với nhân dân.

Ngoài thuận lợi thì quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn. Lực lượng Công an, các ngành, các cấp vào cuộc tuyên truyền bằng nhiều hình thức về đăng ký tài khoản định danh điện tử và tài khoản dịch vụ công trực tuyến, nhưng hiện một bộ phận người dân chưa đăng ký và tham gia rộng rãi. Hiện việc đăng ký tài khoản định danh điện tử và tài khoản dịch vụ công trực tuyến tập trung chủ yếu ở cán bộ, công chức, viên chức, người có trình độ công nghệ thông tin… Còn người chưa đăng ký tham gia đa phần là người dân lớn tuổi, chưa am hiểu công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân nộp hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến rất thấp, do còn tâm lý cho rằng việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tiếp tại trụ sở cơ quan là thiết thực và nhanh chóng nhất. Vì vậy, Công an thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân, để người dân có thể tiếp cận hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. 

* Bộ Công an vừa mở đợt cao điểm “90 ngày, đêm” chuẩn bị cho việc bỏ tạm trú, hộ khẩu giấy từ sau ngày 31-12-2022. Thưa Thiếu tướng, Công an TP Cần Thơ thực hiện cao điểm này như thế nào?

- Để thực hiện “Kế hoạch 90 ngày, đêm”, Công an thành phố đã khẩn trương tham mưu UBND thành phố ban hành kế hoạch triển khai cho các sở ban, ngành và UBND các cấp tập trung phối hợp lực lượng Công an thực hiện, nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong tham gia thực hiện kế hoạch này.

Công an thành phố đã chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Công an các đơn vị, địa phương. Từng đồng chí trong lãnh đạo trong Ban Giám đốc Công an thành phố sẽ chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc nhắc nhở, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Hằng ngày, Công an đơn vị, địa phương đều báo cáo kết quả thực hiện cho lãnh đạo Công an thành phố.

* Cảm ơn Thiếu tướng!

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: