Chi tiết tin

A+ | A | A-

Phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số

Ngày đăng: 11:15 | 22/09 Lượt xem: 165

Quảng Ninh đang bước vào quá trình chuyển đổi số với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để chuyển đổi số thành công, cùng với thể chế và công nghệ, một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo số liệu thống kê của UBND tỉnh về thực trạng nguồn nhân lực tham gia thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 (Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030), số CBCCVC cấp xã; hợp đồng lao động tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh có trình độ công nghệ thông tin (CNTT) là 807/37.077 người (tỷ lệ 2,17%). Con số này còn rất khiêm tốn so với lượng công việc đồ sộ của quá trình chuyển đổi số.

20220921-pg4.jpg

Ảnh minh hoạ

Để đảm bảo nguồn lực bắt nhịp chuyển đổi số, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND (ngày 13/5/2022) triển khai thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg (ngày 28/1/2022) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Qua đó, tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đổi số cho người đứng đầu, lãnh đạo chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT); cán bộ chuyên trách về CNTT tại các cơ quan nhà nước và đội ngũ làm công tác truyền thông; đào tạo chuyên sâu theo từng lĩnh vực quản trị hệ thống thông tin; tổ chức khóa đào tạo, tập huấn kỹ năng số cho CBCCVC-LĐ trong hệ thống chính trị toàn tỉnh.

Bước đầu, tỉnh đã phối hợp với Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình bồi dưỡng chuyển đổi số cho 27 cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông và 192 cán bộ là chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ phụ trách CNTT thuộc Phòng Văn hoá thông tin cấp huyện học trực tuyến. Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tỉnh cũng mở chuyên đề bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 123 đồng chí Bí thư Đảng ủy đồng thời Chủ tịch UBND cấp xã cuối năm 2021 bằng hình thức trực tuyến đến 177 điểm cầu. Ngoài ra, các sở, địa phương đã chủ động tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ, bí thư, trưởng khu, người dân trong các lĩnh vực cải cách hành chính, thương mại điện tử, ứng dụng phần mềm quản lý hành chính số...

Thông qua các lớp tập huấn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân, gắn với cuộc sống của người dân; tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn; giúp nhân dân sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản tương tác với chính quyền, tham gia phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và thực sự trở thành công dân số.

Cùng với đó, toàn tỉnh đã thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng (1.462 tổ công nghệ số cộng đồng địa phương, 11 tổ công nghệ số cộng đồng doanh nghiệp), với 11.255 thành viên, bao phủ 177/177 xã, phường, thị trấn, 1.452/1.452 thôn, bản, khu phố. Qua đó, các địa phương đã chủ động thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn người dân các nội dung về chuyển đổi số, định danh điện tử...

Quảng Ninh đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2025, phấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức được định kỳ hàng năm tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số, kỹ năng số. Trong đó, 50% cán bộ, công chức, viên chức được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng phân tích, xử lý dữ liệu bằng công cụ số. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức triển khai chương trình “Học từ làm việc thực tế”, trong đó, cơ quan nhà nước là cầu nối giữa các trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong tỉnh để xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp; tổ chức các chương trình thực tập ngắn hạn, thường xuyên để tăng cơ hội tiếp xúc nghề nghiệp cho sinh viên, từ đó định hướng tốt hơn cho công việc tương lai và bổ sung nguồn lực kỹ thuật cho doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng và tổ chức triển khai nền tảng số kết nối các cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp để thúc đẩy học từ làm việc thực tế, đào tạo và đào tạo lại kỹ năng số cho người lao động, kết nối cung cầu thị trường lao động; ưu tiên các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, đột phá và các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp quan trọng

Về lâu dài, Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp về nhân lực số ở Việt Nam chính là đại học số. Vì vậy, tỉnh sẽ hướng đến tổ chức chương trình dạy và học về kỹ thuật số STEM/STEAM trong giáo dục tiểu học và phổ thông; chú trọng tập huấn, đào tạo giáo viên, trang thiết bị; đổi mới cập nhật chương trình đào tạo tin học, kỹ năng số tại các trường THCS, THPT để hình thành thói quen số, văn hóa số. Đồng thời, đổi mới, cập nhật chương trình dạy học; đào tạo chuyên sâu các công nghệ nổi bật, có tính ứng dụng cao tại Trường Đại học Hạ Long; xây dựng mạng lưới hệ thống thư viện điện tử, phần mềm quản lý học tập, đào tạo và phục vụ học tập suốt đời của công dân; xây dựng mô hình tổ công nghệ cộng đồng trong tỉnh, nòng cốt là đoàn viên, thanh niên. Cùng với đó, tiếp tục thu hút chuyên gia công nghệ số, nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao đến sống và làm việc tại tỉnh; phát triển đổi mới hoạt động tìm kiếm nhân tài, tài năng qua ứng dụng công nghệ số...

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: