Hội Nông dân và Bưu điện tỉnh Bắc Kạn ký kết thỏa thuận hợp tác hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. (Ảnh: THU TRANG)
Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, chính quyền số được hình thành, các hoạt động của chính quyền thực hiện 100% trên không gian số; kinh tế số chiếm vai trò lớn trong tăng trưởng GRDP; phát triển xã hội số an toàn; bảo đảm an toàn, an ninh mạng.
Nhiều chuyển biến
Nếu như những năm trước, khái niệm chuyển đổi số là khá mơ hồ đối với nhiều cấp ủy, chính quyền, người dân ở Bắc Kạn thì nay điều này đã thay đổi. Nhiều nông dân thậm chí đã trở thành chủ thể trong chuyển đổi số, tạo nên chuyển biến tích cực trong sản xuất.
Vi Hương là một trong những xã của tỉnh Bắc Kạn được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn thực hiện thí điểm chuyển đổi số. Ngày 22/12/2020, Vi Hương công bố kết quả giai đoạn 1 chuyển đổi số, là xã đầu tiên trong cả nước có được kết quả này. Để hỗ trợ người dân xã Vi Hương trong quá trình chuyển đổi số, cơ sở hạ tầng số tại xã cũng được nâng cấp theo hướng hoàn thiện mạng nội bộ LAN, cung cấp WiFi miễn phí phủ sóng tại các khu vực trung tâm xã và điểm Bưu điện văn hóa xã để nhân dân đến giao dịch, khai thác thông tin, sử dụng dịch vụ công gồm 1 đường truyền Internet cáp quang tốc độ cao và 1 thiết bị phát WiFi phục vụ 50 người dùng đồng thời. Cùng với đó, các phần mềm tài chính kế toán, quản lý tài sản, quản lý nhân sự được đưa vào ứng dụng. UBND xã cũng đã triển khai hệ thống thư điện tử, hệ thống quản lý văn bản có ứng dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử liên thông 4 cấp.
Được hỗ trợ chuyển đổi số, Hợp tác xã Thiên An tại xã đã hoàn thiện được quy trình sản xuất các sản phẩm, như: Thuốc tắm của đồng bào Dao mang các nhãn hiệu Phục dưỡng hoa, Mộc vượng xuân, An mộng nhi; Cao Gắm; gối thảo dược... Sản phẩm được cấp giấy phép lưu hành, đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và được đăng ký bảo hộ theo quy định. Đặc biệt, Hợp tác xã được hỗ trợ phát triển thương mại điện tử và giờ đã có trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp; Fanpage giới thiệu các sản phẩm trên mạng xã hội; nền tảng kết nối thương mại điện tử dành cho nông sản AgriConnect được xây dựng để kết nối các gian hàng trên các sàn Postmart, Tiki, Shopee...
Từ sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Bắc Kạn tập huấn cho 45 hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác về kỹ năng tham gia các sàn thương mại điện tử, như: Shopee, Sendo, Tiki, Voso...; kỹ năng làm phim để quảng bá sản phẩm. Qua đó, đã có 56 sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, trên cổng thông tin của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bắc Kạn hiện đã có 44 sản phẩm của 33 hợp tác xã được giới thiệu. UBND tỉnh Bắc Kạn đã ký kết hợp tác triển khai sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn có tên miền www.bkmarket.vn với Công ty TNHH Tập đoàn Kim Nam (Hà Nội). Thông qua sàn thương mại điện tử này, Bắc Kạn quảng bá và phân phối các sản phẩm OCOP; giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh sản xuất quản lý thông tin sản phẩm dịch vụ; giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm...
Theo UBND tỉnh Bắc Kạn, dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp song công tác chuyển đổi số năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai và đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Hạ tầng viễn thông kết nối thông suốt 3 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp. Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được mở rộng kết nối đến 108 xã, phường, thị trấn. Kết nối thành công đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tích hợp dịch vụ công của tỉnh lên hệ thống thanh toán trực tuyến Paygov của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hệ thống “Một cửa điện tử”, “Một cửa điện tử liên thông” và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao đã có 132 đơn vị sử dụng, đạt tỷ lệ 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã có thủ tục hành chính. Đồng thời, đưa vào sử dụng hệ thống thanh toán trực tuyến (Paygov) của Bộ Thông tin và Truyền thông và Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Tính đến hết tháng 2/2022, hệ thống tiếp nhận và xử lý 29.091 hồ sơ thủ tục hành chính. Tổng số chữ ký số chuyên dùng được cấp là 4.645 chứng thư số.
Cổng Dịch vụ công của tỉnh được duy trì hoạt động ổn định. Tỉnh đã kết nối và đưa vào khai thác sử dụng dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính, phục vụ đắc lực cho việc tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và từng bước tạo lập hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử cho người dân. Hiện, Bắc Kạn có 1.293 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, chiếm tỷ lệ 70,9%, tăng 276 dịch vụ mức độ 4 so với năm 2020. Trong năm 2021, tỉnh đã tích hợp 935 thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, đạt tỷ lệ 68,6%.
Đẩy mạnh chuyển đổi
Mặc dù đạt nhiều tiến bộ nhưng đến nay, hạ tầng kỹ thuật của Bắc Kạn chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Tỉnh chưa có nhiều các ứng dụng công nghệ mới như: Trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing), kết nối vạn vật (IoT),… Chưa hoàn thiện các hệ thống thông tin, CSDL, kết nối và chia sẻ, đối soát dữ liệu giữa các ngành…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình, những vấn đề đó đặt ra nhiệm vụ năm 2022, Ban Chỉ đạo cần thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số nhằm mang lại những kết quả đột phá trong xây dựng Chính quyền điện tử, hướng tới Chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số và phát triển xã hội số. Trên cơ sở Đề án tổng thể chuyển đổi số, tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc, phối hợp với các ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, xác định nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới.
Nhân viên Hợp tác xã Thiên An, xã Vi Hương (huyện Bạch Thông) đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Cuối tháng 4/2022, Bắc Kạn phê duyệt Đề án tổng thể chuyển đổi số với quyết tâm thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực này. Theo đó, tỉnh đặt ra các mục tiêu bao gồm: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân và doanh nghiệp; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số; hoạt động của các cơ quan nhà nước được vận hành tối ưu dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, như: Y tế, giáo dục, giao thông,...
Bắc Kạn định hướng chuyển đổi từ Chính quyền điện tử thành Chính quyền số thông qua chuyển đổi từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận hướng dữ liệu; từ công nghệ Web thành công nghệ 4.0, đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT); từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; từ cải cách thủ tục hành chính thành thay đổi mô hình quản trị...
Để thực hiện mục tiêu đó, Bắc Kạn phối hợp các doanh nghiệp triển khai chương trình mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số. Thí điểm và nhân rộng việc xây dựng và sử dụng mạng 5G cùng với xây dựng lộ trình bỏ mạng 2G, 3G tại tỉnh; bảo đảm phủ sóng 4G 100% tại mọi địa điểm của tỉnh đến năm 2025. Chuyển đổi toàn bộ các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh sang sử dụng địa chỉ giao thức Internet thế hệ mới (Ipv6)... Xây dựng kho dữ liệu dùng chung của tỉnh.
Tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước thông suốt; tạo lập dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng, tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế... Thúc đẩy phát triển kinh tế số, trọng tâm của Bắc Kạn là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, cung cấp sản phẩm công nghệ số, phát triển nội dung 25 số, quảng cáo số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh…
Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, đối với chính quyền số, có: 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, huyện và xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước). Kinh tế số chiếm 30% GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn). Đối với xã hội số, có: Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác trên 90%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ công trực tuyến đạt trên 50%.