Viettel Quảng Nam đang tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số.
Tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông
Đầu tư hạ tầng trong đó có hạ tầng truyền dẫn cáp quang là một trong những ưu tiên của Viettel nhằm nâng cao chất lượng mạng lưới. Hiện tại tập đoàn Viettel có 3 đường trục cáp quang quốc gia và 3 cổng kết nối cáp quang quốc tế. Tại Quảng Nam, Viettel đã có khoảng hơn 5000 km cáp quang truyền dẫn, 10.000 km cáp quang cung cấp dịch vụ cố định băng rộng cho khách hàng, 800 trạm thu phát sóng di động và 600 trạm OLT sử dụng truyền dẫn cáp quang. Qua đó phục vụ đắc lực cho công cuộc chuyển đổi số thời gian tới.
Theo Thượng tá Hoàng Ngọc Phương - Giám đốc Viettel Quảng Nam, việc đầu tư hạ tầng viễn thông sẽ giúp đơn vị hiện thực hóa các mục tiêu dài hạn trong thời gian đến, nhất là trong giai đoạn kết nối, lưu trữ dữ liệu số. Qua đó phục vụ tốt hơn nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và phục vụ các nhu cầu tiện ích cho người dân.
Cùng với Viettel, VNPT Quảng Nam không ngừng đầu tư hạ tầng trong đó có hạ tầng cáp quang để mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tháng 08/2021, VNPT Quảng Nam đã đầu tư hạ tầng mạng cáp quang đến 100% các xã trong tỉnh phục vụ triển khai dự án Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Dân cư của Bộ Công an, cơ sở dữ liệu của các ngành. Hiện doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ Internet cáp quang wifi cho toàn bộ các xã trong tỉnh, trừ một số địa phương mới triển khai cáp quang đến trụ sở công an xã nên phạm vi cung cấp dịch vụ chỉ ở khu vực trung tâm xã.
Ông Nguyễn Viết Hà - Giám đốc VNPT Quảng Nam cho biết, để góp phần tạo nền tảng vững chắc và thúc đẩy chuyển đổi số cho tỉnh nhà, VNPT Quảng Nam tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông công nghệ thông tin với quy mô toàn tỉnh.
“Với hạ tầng này sẽ thuận lợi trong kết nối cơ sở dữ liệu các cơ quan, ban ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý của chính quyền và từng bước xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp hệ sinh thái công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số…” – ông Nguyễn Viết Hà cho biết thêm.
Tạo tiền đề lâu dài cho lộ trình chuyển đổi số
Theo bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Quảng Nam, để thực hiện chuyển đổi số, một trong những nhiệm vụ đầu tiên quan trọng là phải có hạ tầng số. Hạ tầng cáp quang là một trong những nội dung chủ yếu. Nếu như không có hạ tầng số thì không thể thực hiện được chuyển đổi số. Việc đầu tư 100% các xã có cáp quang là một nỗ lực lớn của các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn Quảng Nam thời gian qua. Điều này tạo cơ sở và nền tảng để triển khai các dịch vụ internet băng rộng phục vụ khách hàng và đặc biệt là phục vụ đắc lực cho việc kết nối, chia sẻ, sử dụng các ứng dụng của chính quyền số.
Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 9/2024 sẽ tắt sóng 2G trên toàn hệ thống. Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã và đang tích cực triển khai nhiều hoạt động để thực hiện chủ trương này. Tắt sóng 2G sẽ tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, góp phần thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số.
Tính đến tháng 5.2024, toàn tỉnh phát triển được 2.130 trạm BTS; 1.490.157 thuê bao điện thoại; 1.400.325 thuê bao Internet băng rộng; tỉ lệ thuê bao điện thoại thông minh đạt 76,8%. Đường truyền cáp quang kéo đến 100% cấp xã, 90% cấp thôn; phủ sóng di động 3G, 4G đến 100% cấp xã, 94,8% cấp thôn; 88,9% nhà văn hóa thôn có wifi. Kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% cấp xã.
Hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu - nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Năm 2024, Quảng Nam cũng xác định phát triển kinh tế số với trọng tâm “Quản trị dựa trên dữ liệu số”. Đây cũng là yếu tố sản xuất then chốt trong sự phát triển của nền kinh tế số.