Chi tiết tin

A+ | A | A-

Thủ tướng chỉ đạo '3 tăng cường, 5 đẩy mạnh' trong chuyển đổi số

Ngày đăng: 8:27 | 26/04/2024 Lượt xem: 153

Sáng ngày 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp trực tuyến toàn quốc của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) nhằm đánh giá kết quả đạt được và triển khai nhiệm vụ thời gian đến.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu Quảng Nam.

 

Báo cáo tại phiên họp, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, thời gian qua công tác chuyển đổi số đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quan trọng hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số.

Có 21 bộ, ngành và 62 địa phương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024. 19 bộ, cơ quan ngang bộ; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 63/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án 06/CP. Còn 03 bộ, ngành chưa ban hành. 14 bộ, ngành và 52 địa phương đã ban hành hành danh mục cơ sở dữ liệu theo quy định, đạt tỷ lệ 77%, tăng 11% so với năm 2023.

Trong Quý I/2024, Việt Nam có thêm 1 Trung tâm dữ liệu của Viettel khai trương, cung cấp dịch vụ ra thị trường với tổng số 2400 racks.

Về phát triển Chính phủ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp có 80,44% TTHC đủ điều kiện toàn trình được cung cấp trực tuyến; 47,79% TTHC đủ điều kiện toàn trình được cung cấp toàn trình. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết TTHC mới chỉ đạt khoảng 38,3%.

Về phát triển kinh tế số, Bộ TT&TT cho biết, tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2021, 2022 lần lượt là 11,91%, 14,26%. Tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP.

Về phát triển xã hội số, Bộ Công an đã cấp trên 86 triệu thẻ CCCD gắn chíp; tiếp nhận trên 74,85 triệu hồ sơ định danh điện tử, kích hoạt trên 53,62 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân (đạt 71,63% hồ sơ tiếp nhận). Ứng dụng VNeID đã được tích hợp 8 dịch vụ tiện ích. Đã có 29,3 triệu lượt truy cập.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung báo cáo, thảo luận về những nội dung chính liên quan đến tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia từ sau phiên họp thứ 7 với trọng tâm là phát triển kinh tế số. Chia sẻ những cách làm hay mang lại hiệu quả cao trong thực tiễn; phân tích các bài học kinh nghiệm. Đồng thời đề xuất các giải pháp trọng tâm để thực hiện cao nhất nhiệm vụ đã được đề ra tại Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban, nhất là các giải pháp mang tính đột phá…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CĐS biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được, đồng thời chỉ rõ việc CĐS, phát triển kinh tế số còn nhiều hạn chế về hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách, công tác an toàn thông tin, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hạ tầng số…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, công tác CĐS đòi hỏi sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, đề cao vai trò người đứng đầu; lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm... Theo đó, đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành, bí thư, chủ tịch UBND các cấp phải chỉ đạo quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ CĐS quốc gia theo phương châm "Ba tăng cường" và "Năm đẩy mạnh".

Trong đó, "Ba tăng cường" gồm: tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của CĐS tới từng người dân, doanh nghiệp và nhất là người đứng đầu; tăng cường tiềm lực cho CĐS, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên bố trí nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và huy động mọi nguồn lực xã hội.

"Năm đẩy mạnh" gồm: đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ thúc đẩy CĐS quốc gia, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, lập nghiệp trong CĐS; đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh an ninh mạng, an toàn thông tin để quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia từ sớm, từ xa.

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: