
Đại tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì cuộc họp sáng nay 19/4.
Theo báo cáo, đối với nhóm triển khai các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công đối với 53 DVC thiết yếu ngày càng được nâng lên, đặc biệt là 11/25 và 1/28 dịch vụ công thiết yếu của lực lượng Công an chủ trì, nhiều thủ tục có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 100%, điển hình như: thủ tục làm con dấu mới và cấp Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; Thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội); Thông báo lưu trú tại các cơ sở kinh doanh lưu trú.
Các dịch vụ có tỷ lệ trên 95% như: Đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; Cấp phiếu lý lịch tư pháp; liên quan điện lực...
Đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã bố trí thiết bị đọc mã QR phục vụ khám, chữa bệnh BHYT sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng VNeID. Tuy nhiên, tỷ lệ quét mã thành công chỉ đạt 64,67%.
Đẩy mạnh việc triển khai chi trả trợ cấp qua tài khoản trong lĩnh vực an sinh xã hội. Đến nay, đã tiến hành rà soát được 158.546/ 164.807 đối tượng (96%); mở tài khoản cho 95.349 đối tượng (57,85%); thực hiện chi trả qua tài khoản cho 37.258 đối tượng (39%).
Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến trong một số lĩnh vực còn thấp như: Tích hợp tính giảm trừ mức đóng trong gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình 0% (BHXH tỉnh); đăng ký biến động về sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin của người sử dụng đất - 54% (Sở Tài nguyên và Môi trường); cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe 10% (Sở Giao thông vận tải), cấp CCCD tại cấp huyện, cấp tỉnh 0,42% (Công an tỉnh)… Chưa hoàn thành và có nguy cơ không hoàn thành nhóm nhiệm vụ số hóa dữ liệu hộ tịch (Sở Tư pháp), số hóa dữ liệu đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường) theo như báo cáo, đánh giá tiến độ của cơ quan chủ quản.
Tại cuộc họp, các sở, ban, ngành, cơ quan có liên quan đã tham gia trao đổi, thảo luận, đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc triển khai Đề án 06 thời gian tới. Theo đó, các sở, ngành, UBND các địa phương tập trung triển khai thực hiện và nâng cao chất lượng đối với 25 dịch vụ công thiết yếu và các thủ tục tại Quyết định số 422/QĐ-TTg đảm bảo lộ trình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương. Có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để nâng cao tỷ lệ phát sinh hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đối với các nhóm thủ tục còn thấp.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND các cấp và doanh nghiệp viễn thông tham mưu báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai hiệu quả mô hình điểm thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh nhất là các nhóm mô hình 37, 38, 39, 40 tại Kế hoạch số 7384/KH-UBND ngày 30/10/2023 của UBND tỉnh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh và các doanh nghiệp viễn thông thống nhất nội dung, đánh giá hạ tầng công nghệ thông tin báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Tổ công tác Đề án 06 Chính phủ (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông) kiểm tra, đánh giá an ninh an toàn hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh để sớm kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ triển khai các nhóm nhiệm vụ, các mô hình điểm thực hiện Đề án 06 hiệu quả...