Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan nghe báo cáo về cung cấp các dịch vụ cho người dân ứng dụng chuyển đổi số.
Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh đã phối hợp với Sở TT-TT, Viễn thông Quảng Nam triển khai các hệ thống dùng chung phục vụ chuyển đổi số như tổng đài thông tin dịch vụ công 1022 Quảng Nam; xây dựng và triển khai ứng dụng Smart Quảng Nam, Egov Quảng Nam, hệ thống thông tin báo cáo LRIS của tỉnh, các hệ thống điều hành thông minh (IOC) trên địa bàn tỉnh.
Cạnh đó, nhiều doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã giới thiệu, hướng dẫn đến người dân các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt; các sản phẩm viễn thông, công nghệ thông tin.
UBND tỉnh cũng đã tích hợp chữ ký số điện tử vào Trung tâm Hành chính công tỉnh, giúp người dân, doanh nghiệp có thể dùng chữ ký điện tử để đăng ký các thủ tục hành chính theo quy định. Triển khai đầu tư hệ thống đường truyền số liệu chuyên dùng, ứng dụng, chính sách hỗ trợ các nền tảng số cho người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hồ sơ sức khỏe cho toàn dân và ứng dụng hệ thống khám chữa bệnh từ xa.
Điện lực Quảng Nam đã đưa dịch vụ điện lên App Smart Quảng Nam, giúp người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết như lịch tạm ngưng cung cấp điện, hướng dẫn sử dụng điện an toàn và tiết kiệm, thanh toán tiền điện trực tuyến; cung cấp các tiện ích chuyển đổi số của ngành điện cho người dân.
Năm 2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt hơn 83%. Thời gian mất điện trung bình/1 khách hàng là 248 phút, giảm 57 phút so với 2021. Để đạt được kết quả đó, Công ty đã triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong công tác quản lý để nâng cao chất lượng cung cấp điện.
“ Điện lực Quảng Nam đã triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI để tự động kiểm tra, phát hiện các bất thường đối với hình ảnh giám sát thi công các công trình đầu tư xây dựng hàng năm giúp nâng cao chất lượng công trình. Nhật ký công trình điện tử, biên bản nghiệm thu điện tử” Ông Phan Văn Tuấn- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam, chia sẻ.
Tính đến 31/12/2022, Quảng Nam có 340.951 người đăng ký, cài đặt và sử dụng ứng dụng Bảo hiểm xã hội số - VssID. Có 246/299 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân với 189.979 lượt tra cứu, trong đó 115.452 lượt tra cứu thành công.
Bên cạnh đó, Công ty cấp thoát nước Quảng Nam đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện chuyển đổi số trong quá trình quản lý, sản xuất và hoạt động. Công ty đã đang áp dụng thiết bị theo dõi chất lượng nước online từ nhà máy nước về văn phòng trung tâm qua Website của Công ty, đến nay có 9/11 nhà máy truyền dữ liệu 24/24 giám sát online theo dõi chất lượng nước tại nhà máy cho một số chỉ tiêu như đo độ đục, clo dư...được giám sát thường xuyên nhằm quản lý tốt chất lượng nước đầu ra. Có đến 60% khách hàng thanh toán tiền sử dụng nước online.
“Tuy nhiên, Công ty cấp thoát nước Quảng Nam đang gặp phải các khó khăn như cần phải có bản đồ số quản lý chung hạ tầng đô thị (trong đó có bản đồ mạng lưới cấp nước), dân cư, thửa đất để thuận tiện trong công tác quản lý, sửa chữa, chỉnh trang hạ tầng đô thị, tránh trường hợp một đơn vị làm ảnh hưởng đến nhiều đơn vị khác, vừa tốn kém kinh phí khắc phục vừa ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị cũng như khả năng cấp nước liên tục cho khách hàng”, Bà Mai Thảo- Phó Giám đốc Công ty cấp thoát nước Quảng Nam cho biết.
“Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập trong hạ tầng chuyển số, như về các vùng lõm sóng 3G,4G, tỷ lệ cài đặt Smart Quảng Nam còn thấp, dữ liệu trên ứng dụng còn thiếu, chưa chính thức, đẩy mạnh hình thức đăng ký sử dụng dịch vụ trực tuyến và tích hợp thông tin đăng ký sử dụng dịch vụ trên Cổng DVC của tỉnh đối với các thủ tục, dịch vụ người dân có nhu cầu sử dụng cao”- Phó Giám đốc Sở TT-TT Phạm Thị Ngọc Quyên cho biết thêm.
Để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại và có phương hướng triển khai có hiệu quả việc cung cấp các dịch vụ cho người dân ứng dụng chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu giao Sở TT-TT xây dựng chiến lược đẩy mạnh tuyên truyền các ứng dụng cho người dân chuyển đổi số; thống kê, tham mưu UBND tỉnh đưa dữ liệu cài đặt Smart Quảng Nam lên bản đồ thể chế.
“ Ngày từ đầu năm 2023, tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh phải tiến hành cài đặt App Smart Quảng Nam. Các ngành, doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục các tồn tại và tập trung triển khai chuyển đổi số kết hợp với phát triển du lịch, nhất là du lịch nông thôn; doanh nghiệp viễn thông khắc phục các điểm lõm sóng 3G, 4G...” – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị.