Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản
Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Chuyển đổi vì một xã hội số bao trùm” do Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, Cơ quan Chuyển đổi số Nhật Bản và Trung tâm Hợp tác quốc tế về tin học hóa Nhật Bản (CICC) tổ chức. Đây là một sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần lễ số Quốc tế 2022.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Huy Dũng nhận định, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam hiện đã có những bước phát triển đáng kể về kinh tế, xã hội, sinh kế của người dân, an sinh xã hội đều được cải thiện, hiệu quả hơn. Trong chặng đường phát triển tiếp theo, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số được coi là một phương thức phát triển mới của đất nước.
Việt Nam hiện có những nền tảng số với hơn 70 triệu người dùng, do đó, thách thức của Việt Nam là duy trì thói quen sử dụng sản phẩm dịch vụ số của người dân. Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào để toàn xã hội được tiếp cận một cách bình đẳng, an toàn với mọi dịch vụ thiết yếu trên môi trường số? Làm thế nào để ứng dụng công nghệ số vào giải các bài toán về sự phục hồi kinh tế nhanh sau đại dịch cùng nhiều bài toán về khoảng cách phát triển vùng miền và rất nhiều bài toán khác đặt ra.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Nhật Bản là quốc gia châu Á đầu tiên thành công trong công nghiệp hóa, bắt kịp các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, Nhật Bản cũng là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các bài toán xã hội như: Già hóa dân số, quản lý tài nguyên, biến đổi khí hậu…
Những kinh nghiệm quý báu được các diễn giả Nhật Bản chia sẻ tại Phiên toàn thể của sự kiện Tuần lễ số Quốc tế 2022 (ngày 11/10) và tại Diễn đàn hôm nay sẽ vô cùng hữu ích cho Việt Nam. Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự phối hợp chặt chẽ, sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản trong việc thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác về chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam bày tỏ.
Về triển khai cáp quang tại Nhật Bản, năm 2019, cáp quang đã phủ sóng 99,7% hộ gia đình, mục tiêu đến năm 2027: 99,9% hộ gia đình có cáp quang, sớm hơn kế hoạch 3 năm. Để đạt được mục tiêu này, Nhật Bản triển khai hỗ trợ tài chính cho các địa phương thu không đủ bù chi đối với dịch vụ cáp quang. Tại Nhật Bản, dịch vụ băng rộng hữu tuyến là dịch vụ phổ cập toàn dân nên các nhà mạng băng rộng phải đóng tiền vào quỹ để quỹ này hỗ trợ các địa phương đưa dịch vụ cáp quang đến người dân.
Đối với phổ cập mạng và dịch vụ 5G, đến cuối năm 2020, Nhật Bản đã đạt mục tiêu: 95% địa phương có trạm 5G (với 280 nghìn trạm 5G), dự kiến đến năm 2025 có 97% địa phương có trạm phát 5G (300 nghìn trạm 5G) và đến năm 2030 là 99% địa phương có trạm phát 5G (600 nghìn trạm). Nhằm đạt được mục tiêu lớn này, Nhật Bản đang cấp quyền sử dụng băng tần mới cho các nhà cung cấp dịch vụ 5G. Đồng thời xem xét việc đưa ra quy định pháp luật về việc đóng quỹ để phổ cập 5G.
Liên quan đến việc đưa công nghệ ICT Nhật Bản ra nước ngoài, Nhật Bản đang xây dựng hành lang pháp lý hỗ trợ doanh nghiệp ICT Nhật Bản triển khai công nghệ của mình tại nước ngoài. Theo đó, Bộ Nội vụ và Truyền thông cũng như Bộ Kinh tế Nhật Bản sẽ tài trợ mọi mặt cho các doanh nghiệp Nhật Bản đưa công nghệ ra nước ngoài.
Ông Ryosuke Chiba, Phó Giám đốc phụ trách Chiến lược quốc gia Nhật Bản chia sẻ về Chiến lược dữ liệu bao trùm của nước này. Chiến lược được coi là kim chỉ nam để thực hiện xã hội số tại Nhật Bản. Dữ liệu đóng vai trò hết sức quan trọng vì dữ liệu chính là nguồn gốc của sự phát triển, là tập hợp kiến thức quan trọng để phát triển kinh tế, xã hội. Hầu hết cơ quan chính phủ đều nhận thức được điều này. Đồng thời, dữ liệu ở đây không chỉ phục vụ cơ quan nhà nước mà phục vụ cho mọi người. Cơ quan nhà nước có nhiệm vụ tối ưu hóa giá trị của dữ liệu với tôn chỉ hành động: Kết nối dữ liệu, có thể sử dụng dữ liệu ở bất cứ đâu, đảm bảo dữ liệu an toàn.
Chính phủ Nhật Bản đặt ưu tiên phát triển các nền tảng dữ liệu trong các lĩnh vực: giáo dục, phòng chống thiên tai, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng. Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục, hồ sơ học tập của học sinh được liên thông, chia sẻ giữa cơ quan giáo dục và nhà trường, từ đó cung cấp dịch vụ giáo dục phù hợp cho học sinh. Trong phòng chống thiên tai, vì Nhật Bản là một nước thường xuyên có động đất nên các vị trí sơ tán, tránh nạn, thông tin về cơ sở hạ tầng cần được liên thông với nhau, giúp tăng tốc độ sơ tán của người dân khi có thiên tai xảy ra. Do đó, việc xây dựng tiêu chuẩn chuẩn hóa dữ liệu là rất cấp thiết.
Đại diện đến từ Tập đoàn VNPT, Tổng Công ty Mobifone, Công ty TNHH Công nghệ Wewe đã giới thiệu các ứng dụng trong chuyển đổi số doanh nghiệp. VNPT giới thiệu một số giải pháp số đảm bảo an toàn, an ninh giao thông đô thị như: Hệ thống xử lý phản ánh kiến nghị 1022; Giải pháp lắng nghe và giám sát mạng xã hội,; Hệ thống giám sát an ninh, giao thông qua camera... Mobifone giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, nổi bật là các giải pháp chuyển đổi số cho ngành văn hóa của Huế: Xây dựng bảo tàng số, tour du lịch ảo…. Công ty TNHH Công nghệ WeWe giới thiệu ứng dụng sách nói Voiz FM với những con số phát triển khá ấn tượng: 1,5 triệu lượt tải trên hai kho ứng dụng iOS và Android, 150 nghìn người dùng thường xuyên mỗi tháng.
Diễn đàn chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản thực sự là cơ hội để các đại biểu đến từ hai nước chia sẻ những kinh nghiệm, bài học mới nhất trong lĩnh vực chuyển đổi số, qua đó tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực thông tin - truyền thông, góp phần xây dựng quan hệ Đối tác số giữa hai quốc gia trong thời gian tới./.