Cán bộ VNPT Quảng Nam hướng dẫn đoàn viên thanh niên xã Cẩm Thanh (Hội An) cài đặt các ứng dụng thông minh.
Thực hiện theo đúng quan điểm chỉ đạo tại Nghị quyết 04/2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đó là chủ động tích cực thực hiện chuyển đổi số, thay đổi nhận thức của cộng động, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Trong thời gian vừa qua, rất nhiều hoạt động đã được triển khai nhằm thúc đẩy chuyển đổi số xuất phát từ người dân, tiếp cận người dân và định hướng vì lợi ích của nhân dân. Trong đó Tổ công nghệ cộng đồng là bộ phận quan trọng trong việc đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân.
Ngay khi có Công văn 51/STTTT-CNTT&BCVT ngày 24/1/2022 của Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Quảng Nam về việc hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, khối phố. UBND xã Cẩm Thanh đã triển khai thành lập 06 tổ công nghệ cộng đồng tại 06 thôn vào tháng 4 năm 2022, mỗi tổ gồm 06 thành viên. Thành viên Tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn gồm Thôn trưởng, Đại diện chi hội phụ nữ thôn, 02 Đoàn viên thanh niên, 02 cán bộ xã phụ trách thôn. Độ tuổi trung bình của thành viên tổ công nghệ cộng đồng là 34,4 tuổi (trẻ nhất là 22 tuổi và lớn nhất là 60 tuổi)
UBND xã cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của tổ công nghệ cộng đồng, quy định nội dung công việc, phân công cụ thể theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm”, thực hiện theo sự hướng dẫn, điều phối chung của Ban chỉ đạo CĐS xã. Và quy chế này được UBMTTQ xã tổ chức Hội nghị để góp ý phản biện, do đó quy chế rất chặt chẽ và được sự thống nhất cao của tất cả thành viên tổ CNCĐ.
Việc thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng chính là nhằm mục tiêu người dân phải được tiếp cận công nghệ, người dân không còn thấy công nghệ là thứ phức tạp và chính công nghệ sẽ mang lại những giá trị lợi ích thiết thực cho người dân trong cuộc sống. Đây là lực lượng mang tính huy động sức mạnh toàn dân, ở gần dân, sát dân; là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo chuyển đổi số từ tỉnh, thành phố đến xã. Thông qua Tổ công nghệ số cộng đồng đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân để thúc đẩy chuyển đổi số đến từng ngõ, ngách và các hộ gia đình, từng người dân, gắn với cuộc sống của người dân; tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, trở thành tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.
Để tổ công nghệ cộng đồng có thể hoạt động hiệu quả, trước hết Tổ CNCĐ phải thực sự hiểu được tầm quan trọng của chuyển đổi số và thuần thục trong sử dụng các ứng dụng phục vụ cho người dân. Do đó, Cẩm Thanh đã tổ chức 02 đợt tập huấn cho các thành viên của Tổ, liên quan đến các nội dung về chính quyền số, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, cách thức đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, cài đặt các ứng dụng điện tử, thanh toán điện tử.
Mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, Tổ công nghệ cộng đồng đã triển khai rất nhiều hoạt động, dù chưa thật sự chuyên nghiệp, nhưng với nỗ lực và trách nhiệm của mỗi thành viên tổ, người dân ở các thôn đã dần dần quen với khái niệm chuyển đổi số, đã trải nghiệm và sử dụng những ứng dụng, tiện ích từ công nghệ cho hoạt động thường ngày trở nên đơn giản và nhanh chóng hơn.
Một số kết quả nổi bật như: Tổ công nghệ cộng đồng đã phát 2500 tờ rơi tuyên truyền về chuyển đổi số và hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho mỗi hộ gia đình; Phối hợp với đơn vị VNPT và Bưu điện Hội An triển khai tập huấn tại 6 thôn, tiếp cận hơn 600 người dân, tuyên truyền về chuyển đổi số và dịch vụ công trực tuyến, phát sim 5G miễn phí cho người dân, hỗ trợ đưa 4/4 sản phẩm OCOP của địa phương và thêm 5 sản phẩm truyền thống khác lên sàn thương mại điện tử PostMart; Hướng dẫn cho người dân truy cập và sử dụng trang Zalo điện tử của xã để tiếp nhận thông tin về tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tra cứu Căn cước công dân, tra cứu và nộp thủ tục hành chính trực tuyến; Hướng dẫn cho hợp tác xã và các hộ dân kinh doanh sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương tham gia bán hàng điện tử trên trang Facebook, trang web điện tử của hợp tác xã và tham gia tại các hội chợ, như sản phẩm rau hữu cơ của HTX rau hữu cơ Thanh Đông, các sản phẩm trà hữu cơ của HTX bền vững, sản phẩm tôm sấy khô... Hỗ trợ tại Bộ phận một cửa của UBND xã, hướng dẫn và nộp hồ sơ trực tuyến cho người dân giúp nâng tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến của xã từ tháng 7 đạt 39,3%; tháng 8 đạt 79%.
Ngoài ra, để có thể hỗ trợ tốt nhất và “tăng sức mạnh” cho tổ công nghệ cộng đồng các thôn, Đoàn thanh niên xã có sáng kiến trong việc thành lập Tổ thanh niên hỗ trợ công tác chuyển đổi số. Tổ gồm 10 bạn thanh niên có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh chóng và nhiệt tình năng động, do đồng chí Bí thư đoàn xã là tổ trưởng. Tổ có nhiệm vụ hỗ trợ cho Tổ công nghệ cộng đồng ở các thôn tuyên truyền về chuyển đổi số và hướng dẫn cho người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ. Bên cạnh đó, Tổ thanh niên cũng đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chi đoàn để triển khai hiệu quả về chuyển đổi số cho thanh niên trên địa bàn toàn xã. Đồng thời, tại các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số ở cấp thôn đều có sự tham gia hỗ trợ của VNPT, Bưu điện Hội An. Chính những điều này đem đến sự hiệu quả trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn.
Cẩm Thanh có được điều kiện là đơn vị thực hiện thí điểm xây dựng xã thông minh và chuyển đổi số từ năm 2021, do đó việc tiếp cận thông tin liên quan đến chuyển đổi số sớm hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là một lĩnh vực rất mới, và khó khăn trong việc truyền tải thông tin, đặc biệt là thay đổi hành vi, thói quen của người dân, khi chuyển từ cách thức truyền thống sang sử dụng công nghệ thông tin. Do đó thời gian vừa qua, địa phương tập trung vào công tác truyền thông và hướng dẫn trực tiếp cho người dân là chủ yếu. Chính Tổ công nghệ cộng đồng là lực lượng chủ chốt trong nhiệm vụ đó của địa phương.