Chú thích ảnh: Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp về hành chính công thông qua thực thi Bản đồ thực thi thể chế tỉnh Quảng Nam. Ảnh: P.T
Bản đồ thực thi thể chế khi mới vừa phát triển được tập trung để giúp lãnh đạo tỉnh, người dân và doanh nghiệp giám sát triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính hiển thị công khai qua 3 nội dung gồm: tỷ lệ giải quyết hồ sơ TTHC đúng hạn, trước hạn từ 90% trở lên thể hiện màu xanh, từ 80% trở lên thể hiện màu vàng, từ 70% trở lên thể hiện màu cam và dưới 70% thể hiện màu đỏ; số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tích hợp vào Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt từ 50% trở lên thể hiện màu xanh, dưới 50% thể hiện màu đỏ; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt từ 25% trở lên thể hiện màu xanh, dưới 25% thể hiện màu đỏ.
Nếu như trước đây, khi chưa có bản đồ thực thi thể chế thì việc theo dõi giám sát chỉ đạo của tỉnh đối với các sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chậm trễ trong công tác giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Từ khi đưa vào vận hành bản đồ thực thi thể chế thì số liệu được hệ thống tự động cập nhật hằng ngày nên giúp lãnh đạo tỉnh, sở ngành và lãnh đạo cấp huyện, xã theo dõi, đôn đốc cán bộ, công chức tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao. Thông qua đây cũng giúp cho việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính được công khai, minh bạch hơn.
Theo ông Thái Hồng Nhất- Chủ tịch UBND phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ chia sẻ, chỉ cần truy cập vào bản đồ thực thi thể chế thì sẽ biết tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của phường được triển khai đến đâu, tồn đọng mức nào. Thông qua đây, giúp lãnh đạo phường kịp thời tăng cường chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thực hiện đảm bảo việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử; thực hiện trả hồ sơ đúng hẹn, trước hẹn. Góp phần giúp người dân ưu tiên thực hiện giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4. Phường Tân Thành cũng thực hiện thí điểm chỉ tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 vào ngày thứ tư và thứ năm hàng tuần đối với thủ tục cấp bảo sao trích lục hộ tịch, đăng ký khai sinh, xác nhận tình trạng hôn nhân; qua đó hồ sơ dịch vụ công mức độ 3, 4 tăng lên đáng kể. Nếu kiểm tra trên phần mềm thấy có hồ sơ gần đến ngày trả thì đôn đốc bộ phận chuyên môn giải quyết và trả hồ sơ cho đúng với thời gian quy định. "Nhờ có bản đồ thể chế nên chúng tôi kịp thời năm bắt tiến độ công việc để đôn đốc. Mọi dữ liệu, tiến độ, tỉ lệ đều hiển thị qua con số nên anh em nhìn vào đó sẽ biết nhiệm vụ giải quyết thủ tục hành chính hoàn thành đến đâu. Rất hay và minh bach. Cùng với việc giám sát nhiệm vụ từ bản đồ thể chế thì chúng tôi cũng thường xuyên chỉ đạo Tổ xung kích mô hình “Công dân không viết” tăng cường hướng dẫn người dân đăng ký thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt phiền hà" - Ông Nhất cho biết thêm.
Việc áp dụng bản đồ thể chế tỉnh Quảng Nam nhằm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện thủ tục hành chính, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh; xem xét vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22.4.2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 01.3.2022 của UBND tỉnh, hoàn thành các chỉ tiêu về cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính tại Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 14.10.2021 của Tỉnh ủy Quảng Nam về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Avô Tô Phương- Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, bản đồ thực thi thể chế tỉnh Quảng Nam đã giúp các địa phương nâng cao hiệu quả công tác giám sát nhiệm vụ. Trước đây, huyện Đông Giang vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hạn rất cao, luôn xếp vị trí thứ cuối của bảng xếp hạng. Sau khi tỉnh đưa bản đồ thể chế vào giám sát, huyện cũng đã vào cuộc tích cực, cập nhập hằng ngày để nắm được tỷ lệ giải quyết hồ sơ và các cấp độ của từng xã, thị trấn; đồng thời tạo điều kiện tốt hơn để UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban nhanh chóng giải quyết hồ sơ kịp thời, đảm bảo. “Từ khi ứng dụng chuyển đổi số, mà cụ thể là thực hiện theo bản đồ thể chế của tỉnh, Đông Giang có 80%, 90% hồ sơ thủ tục hành chính đúng thời gian quy định, luôn ở vùng xanh trên bản đồ. Trong thời gian tới, tôi hy vọng tỉnh tiếp tục nêu cao bản đồ thể chế phân tích sâu hơn, kỹ hơn, chính xác hơn nhằm phục vụ công tác CCHC” - ông Avô Tô Phương nhấn mạnh.
Hiện nay, bản đồ thể chế Quảng Nam được mở rộng để cập nhật dữ liệu về tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tổ công nghệ cộng đồng, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng, thanh toán trực tuyến. Qua đây giúp cho lãnh đạo, cơ quan chức năng dễ dàng giám sát, đôn đốc những tồn đọng trong công tác quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ.
Tới đây với, bản đồ thực thi thể chế có thể mở rộng qua giám sát tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo các địa phương; công khai tỉ lệ thu ngân sách... Từ đó sẽ phát huy được ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý và thực hiện cải cách hành chính và điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn Quảng Nam được hiện đại hơn./.