Chi tiết tin

A+ | A | A-

Ý nghĩa Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10

Ngày đăng: 10:03 | 01/10 Lượt xem: 195

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg quyết định lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Đây là một ngày ý nghĩa với công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam trong xu thế hội nhập toàn cầu.

Đại hội XIII của Đảng đặc biệt nhấn mạnh chủ trương chuyển đổi số, phát triển kinh tế số trong các văn kiện Đại hội. Nội dung về chuyển đổi số được đề cập đến nhiều lần trong các văn kiện Đại hội XIII; được đưa vào Báo cáo chính trị thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm và các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; Chính phủ cũng đã ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52 -NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

          Năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, là năm tuyên ngôn về chuyển đổi số; năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số; năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện.

          Để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia trong giai đoạn mới theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia với ý nghĩa số 1 và 0 là hai số của hệ thống số nhị phân - là ngôn ngữ của công nghệ thông tin và công nghệ số; gắn với chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

          Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức hằng năm nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đồng thời nâng cao nhận thức của người dân toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số và thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

 

 

          Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân và có khoảng 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Ngày Chuyển đổi số quốc gia có ý nghĩa: Góp phần nâng cao nhận thức của toàn dân về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với cuộc sống nói riêng của mỗi người và sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nói chung của Đất nước.

          Tỉnh Quảng Nam cũng đã vào cuộc quyết liệt trong công cuộc chuyển đổi số, xem dây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, đưa Quảng Nam vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số tốt; hình thành và phat strieenr môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân; tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Quảng Nam đề ra chỉ tiêu cụ thể:

          Phát triển hạ tầng số: có 85% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có điện thoại thông minh. 70% hộ gia đình có đường truyền Internet cáp quang băng rộng. Phủ sóng băng rộng di động tới 100% thôn/bản trên địa bàn tỉnh.

          Phát triển chính quyền số: tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 80%. Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt trên 30%. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước dưới dạng điện tử đạt 100% (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật). Trên 90% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, trên 80% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp huyện, trên 50% tỷ lệ hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% (đối với thủ tục hành chính tiếp nhận tại bộ phận một cửa cấp tỉnh từ ngày 01/6/2022; đối với TTHC tiếp nhận tại bộ phận một cửa cấp huyện từ ngày 01/12/2022). Tỷ lệ báo cáo định kỳ của các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện trực tuyến trên Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Quảng Nam trên 80%. Tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục đạt 50% (không áp dụng đối với dữ liệu phục vụ công tác quân sự, quốc phòng).

          Phát triển kinh tế số và xã hội số: Tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt 30%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt 50%. Tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 7%. Tỷ lệ người dân ứng dụng định danh điện tử đạt 20%. Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 70%. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các hình thức được phép khác đạt từ 50%.

          Chính vì vậy mà Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 được tỉnh Quảng Nam triển khai rất quyết liệt, đa dạng các hoạt động từ cấp tỉnh, huyện, xã, khu dân cư. Trong đó, tỉnh sẽ tổ chức Hội thảo "Xây dựng Khung kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Nam" cùng với hoạt động trưng bày các gian hàng giới thiệu về thành tựu chuyển đổi số, CNTT, viễn thông... Đối với cấp huyện, cấp xã cũng sẽ triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia bằng các sự kiện nổi bật.

          Chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022, năm đầu tiên tổ chức hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia, là  “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 tập trung vào phát động các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, thúc đẩy, quảng bá toàn dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, làm cho người dân được thụ hưởng các kết quả do chuyển đổi số mang lại.

          Ngày Chuyển đổi số quốc gia sẽ là hoạt động thường niên để đánh giá kết quả chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm và chia sẻ kinh nghiệm, cách làm mới để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia. Ngày Chuyển đổi số quốc gia không chỉ mang ý nghĩa chào mừng, tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân đã tham gia vào tiến trình chuyển đổi số quốc gia, mà còn là dấu mốc để đánh giá hoạt động chuyển đổi số hằng năm./.

Tác giả: HT

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: