Ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, thu hoạch, truy xuất nguồn gốc, xúc tiến thương mại cho nông sản chủ lực "măng cụt" Tiên Phước
Đây là cây trồng có nguồn gốc từ Nam Bộ, được người dân di thực về trồng từ rất lâu đời và được phát triển mạnh trong những năm gần đây, tổng diện tích toàn huyện hiện nay là 465 ha, trong đó diện tích kinh doanh 60 ha, tập trung tại các xã Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Sơn, Tiên Châu, Tiên Cảnh... Sản lượng khai thác hàng năm 100-200 tấn/năm. Những năm gần đây giá cả sản phẩm măng cụt tăng cao, từ 100.000-150.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 200.000 đ/kg.
Hiện nay tại huyện Tiên Phước có nhiều cây tuổi thọ gần 100 năm vẫn xanh tốt và hiệu quả kinh tế rất cao, sản lượng mỗi năm 300kg/cây, giá bán bình quân 100.000 đ/kg, doanh thu trên 30 triệu đồng/cây/năm. Bình quân 01 ha cho năng suất 5-6 tấn/năm và có thể 10 tấn/ha/năm, doanh thu trên 500 triệu đồng/ha/năm. Cây măng cụt tại Tiên Phước, Quảng Nam hàng năm thường ra hoa vào tháng 9 và cho thu hoạch vào tháng cuối tháng 11-12 hàng năm.
Huyện Tiên Phước đã bắt đầu triển khai phát triển cây măng cụt theo chuỗi giá trị gắn với thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Theo đó, về kỹ thuật nhân giống, trồng, chăm sóc: Do đặc điểm cây măng cụt mọc mầm từ hạt nhưng không qua thụ phấn, do vậy vấn đề thoái hóa giống do lai tạp là rất ít xảy ra, vì vậy hiện nay kỹ thuật nhân giống chủ yếu là từ hạt. Tuy nhiên để đảm bảo tính pháp lý trong sản xuất kinh doanh giống cây trồng, một số nhà vườn đã đăng ký chọn lọc và đề nghị công nhận cây đầu dòng, vườn đầu dòng. Một số vườn ươm cũng đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân tưới nước cho cây măng cụt trong vườn ươm thông qua hệ thống tưới bán tự động phun sương cơ bản đảm bảo cho cây sinh trưởng phát triển tốt.
Về kỹ thuật trồng, chăm sóc măng cụt đã được Sở NN&PTNT ban hành Quyết định số 35/QĐ-SNN&PTNT, ngày 04/02/2021 về Hướng dẫn tạm thời kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch cây măng cụt trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đồng thời xây dựng video, clip phát trên kênh Youtube. Hiện nay người dân trên địa bàn huyện Tiên Phước cơ bản đã tiếp thu và áp dụng biện pháp trồng, chăm sóc đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật đã hướng dẫn. Đã hình thành nhiều mô hình kinh tế vườn, trang trại trồng măng cụt và sử dụng hệ thống tưới bán tự động, hoặc tự động điều khiển từ xa để chăm sóc cây măng cụt đảm bảo kỹ thuật, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Về thực hiện liên kết sản xuất thu mua, chế biến, chế biến sản phẩm tham gia trưng bày quảng bá sản phẩm: Nhìn chung chất lượng quả măng cụt tại Tiên Phước rất thơm, ngon, mang đặc trưng của vùng miền. UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ Tiền Phong liên kết với các hộ nông dân thực hiện Dự án liên kết sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm từ trái măng cụt đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao năm 2021.
Trong thời gian tới, cây măng cụt tiếp tục được xác định là cây chủ lực có tầm chiến lược lâu dài của huyện, trọng tâm là các xã Tiên Mỹ, Tiên Kỳ, Tiên Cảnh, Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà ...đến năm 2025 toàn huyện phấn đấu trồng đạt 1000 ha, đến 2030 có trên 2000 ha. Huyện sẽ tăng cường chỉ đạo hướng dẫn sản xuất thành vùng hàng hóa tập trung liên kết theo chuỗi giá trị, khuyến khích HTX, doanh nghiệp liên kết tổ chức sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng như Vietgap, Hữu cơ để được chứng nhận. Hợp đồng thu mua chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tham gia xuất khẩu trong thời gian tới để gia tăng giá trị kinh tế, phát triển bền vững. Thực hiện xây dựng Chứng nhận vùng trồng theo yêu cầu của nước nhập khẩu để xuất khẩu trái măng cụt một cách chủ động chính ngạch.
Cùng với đó, địa phương đề xuất một số nhiệm vụ cần triển khai thực hiện trong chuyển đổi số để phát triển ngành hàng măng cụt hướng đến xuất khẩu như sau:
Tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ tưới tiêu tự động hóa và công nghệ thông tin đẩy mạnh biện pháp thâm canh, chăm sóc cây măng cụt thời kỳ kinh doanh, nâng cao năng suất, hiệu quả, khắc phục tình trạng mất mùa, ra trái cách năm như hiện nay.
Gắn các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ với chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ, globoGAP.
Đăng ký xây dựng chỉ dẫn địa lý sản phẩm măng cụt, để số hóa các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến, đóng gói sản phẩm măng cụt định vị trên bản đồ số, để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến các thị trường trong và ngoài nước.
Tiếp tục thu hút doanh nghiệp, HTX ứng dụng công nghệ chế biến, chiết xuất, chế biến sâu sản phẩm trái măng cụt thành các sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm tự nhiên, thức uống bổ dưỡng,... đa dạng hóa sản phẩm đã qua chế biến để quảng bá và tiêu thụ một cách chủ động và bền vững.
Ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cổng thông tin điện tử cây măng cụt Tiên Phước. Đề xuất tên miền: mangcuttienphuoc.gov.vn; xây dựng App măng cụt Tiên Phước với nguồn dữ liệu phong phú, thông tin về cây măng cụt Tiên Phước về sản phẩm và cơ sở sản xuất, phân phối được cập nhật đầy đủ, chính xác. Cụ thể như: Địa chỉ, họ tên, số điện thoại liên lạc, vùng sản xuất, diện tích, năng suất, sản lượng, quy trình chăm sóc, các giấy tờ của chủ cơ sở, chứng nhận sản phẩm,…Từ đó quảng bá giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn gắn với tiêu chuẩn chất lượng để giới thiệu trên thị trường trong và ngoài nước.