Chi tiết tin

A+ | A | A-

Định hướng Phát triển các nền tảng, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn

Ngày đăng: 9:27 | 01/09 Lượt xem: 167

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, văn bản về thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực với mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Các chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số của Chính phủ thể hiện rõ trong Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong Quyết định xác định các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

Ảnh minh họa. 

 

Đối với tỉnh Quảng Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 12/4/2021 về chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo Nghị quyết xác định rõ: Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành về: Đất đai, quản lý bảo vệ rừng, tưới tiêu, cây trồng, vật nuôi, thủy sản… Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số. Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa một số quy trình sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương...

 

Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như: dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch. Trong những năm gần đây, Ngành Nông nghiệp cũng rất quan tâm đến công tác chuyển đổi số, đã ban hành và triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Kế hoạch số 1313/KH-SNN&PTNT ngày 10/6/2021); đã ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện Nghị quyết số 04- NQ/TU ngày 12/4/2021 thuộc phạm vị quản lý của ngành; đã triển khai nhiều CSDL chuyên ngành như: Hệ thống quản lý, giám sát tài nguyên rừng tỉnh Quảng Nam, Phần mềm ứng dụng hỗ trợ việc điều hành, quản lý, ứng phó trong công tác sơ tán dân phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Phần mềm dữ liệu Quốc gia về Tàu cá do Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai,…

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác chuyển đối số ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam hiện nay vẫn còn mang nhiều yếu tố kém bền vững như: việc triển khai các CSDL này chưa đồng bộ, chưa cập nhập, khai thác hết hiệu năng, hiệu quả của các CSDL. Trình độ khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh nói chung còn rất thấp. Dẫn đến việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm so với kỳ vọng; Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế về số lượng và năng lực đổi mới sáng tạo. Đa số chủ thể sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là hộ nông dân nhỏ lẻ hoặc các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ nên khả năng đầu tư, tiếp cận công nghệ, thị trường gặp nhiều khó khăn; nông dân thiếu điều kiện sản xuất, trình độ, kiến thức về thị trường, ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ số vào sản xuất còn hạn chế,…

 

Để tạo ra sự đột phá trong ngành nông nghiệp, Sở Thông tin và Truyền thông đề xuất một số định hướng phát triển các nền tảng, giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam trong thời gian đến như sau:

 

Xây dựng hệ sinh thái ngành nông nghiệp để phát triển bền vững như: xây dựng CSDL riêng của ngành; xây dựng mã vùng trồng, cơ sở chăn nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản và hướng dẫn hồ sơ, thủ tục để được cấp giấy chứng nhận; xây dựng, hướng dẫn qui trình sản xuất phù hợp cho từng đối tượng cây trồng, vật nuôi và điều kiện sản xuất của chủ thể.

 

Hướng dẫn, lựa chọn ứng dụng công nghệ số tiên tiến, hiện đại vào hoạt động sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP để tự động hóa các quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến; xây dựng nhật ký điện tử (số hóa dữ liệu vùng trồng, qui trình sản xuất); giám sát, truy xuất nguồn gốc (tạo mãQR…); Xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm như: đăng ký nhãn hiệu, đăngký mã số, mã vạch; bao bì; nhãn mác; trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm,bán hàng trực tuyến…; Đặc biệt, xây dựng, quản lý, bảo vệ cây Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh.

 

Hỗ trợ đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Nam lên sàn thương mại điện tử. Cần phối hợp với Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel để đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmat.vn và sàn Voso.vn. Tăng cường công tác đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất kinh doanh đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, hướng dẫn người dân thực hiện mua bán trên các sàn TMĐT.

 

Triển khai phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số phục vụ nhu cầu của người nông dân, cụ thể như sau: Xây dựng các nền tảng ứng dụng, di động cung cấp các dịch vụ, xử lý, tư vấn, khai thác dữ liệu thông tin về nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ cấp và quản lý mã số vùng trồng. số hóa quy trình cấp để triển khai cấp mã số vùng trồng trực tuyến (online) tích hợp với hệ thống dữ liệu của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Xây dựng Cơ sở dữ liệu Lâm nghiệp, Hợp tác xã, Thủy lợi tích hợp vào Hệ thống CSDL chuyên ngành Nông nghiệp và PTNT. Xây dựng bản đồ số nông nghiệp làm nền tảng phát triển các dịch vụ số phát triển kinh tế - xã hội. Triển khai các giải pháp thông minh trong xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ hoạt động nông nghiệp.

 

Triển khai Phát triển Kinh tế nông nghiệp số, cụ thể như sau: Tham mưu ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ số toàn diện trong sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ khâu sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản chủ lực, đặc hữu, sản phẩm OCOP. Thí điểm xây dựng và phổ biến mô hình nghiên cứu "mẫu" về sản xuất, kết nối nông nghiệp thông minh; ứng dụng đồng bộ công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; quản lý giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng. Thúc đẩy mô hình kinh tế ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số; mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa các khâu, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm.

 

Xây dựng cơ sở dữ liệu về các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để quản lý hoạt động, sản phẩm, hiệu quả của các hợp tác xã; đặc biệt, xây dựng kho sách điện tử tổng hợp các kinh nghiệp, giải pháp trong công tác chuyển đổi số nông nghiệp để thành viên HTX, doanh nghiệp vừa và nhỏ, người nông dân học tập kinh nghiệm. Tổ chức tập huấn về ứng dụng Thương mại điện tử cho các hợp tác xã.

 

Tóm lại, Chuyển đổi số được xem là “thang thuốc” hiệu quả cho nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng. Đây là một hành trình xuyên suốt, liền mạch đòi hỏi sự vào cuộc của các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan, của cả hệ thống chính trị nhằm thay đổi diện mạo của nền nông nghiệp. Trong đó, vấn đề trước mắt cần phát triển nền nông nghiệp minh bạch về số liệu, nguồn gốc, chất lượng, giá thành… từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người sản xuất, lao động hoạt động trong ngành nông nghiệp và từng bước nâng cao giá trị sản xuất của ngành.

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: