Chi tiết tin

A+ | A | A-

Chuyển đổi số mở ra cơ hội cho khởi nghiệp sáng tạo hiệu quả

Ngày đăng: 16:05 | 19/07/2022 Lượt xem: 269

Nằm trong chuỗi hoạt động của TechFest Quảng Nam 2022, Sở TT-TT phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số với chương trình phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản và sản phẩm OCOP”. Đây là cơ hội để các nhà khởi nghiệp xứ Quảng tiếp cận sức mạnh công nghệ số áp dụng vào khâu sản xuất, quảng bá, giao thương hàng hóa để nâng cao hiệu quả đầu tư.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, chuyển đổi số trong doanh nghiệp (DN) đã diễn ra mạnh mẽ những năm gần đây, như một nhu cầu tự nhiên của rất nhiều DN nhằm đáp ứng sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng như nhu cầu quản lý. Mục tiêu Quảng Nam đặt ra đến năm 2025 có ít nhất 1.000 DN trong tổng số hơn 8.300 DN trên địa bàn tỉnh được tham gia các hội thảo, những khoá đào tạo, tập huấn để nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và được kết nối các DN cung cấp nền tảng kinh tế số.

 

Ảnh: Quang cảnh hội thảo

 

Thực tế cho thấy, chuyển đổi số giúp phát triển kênh bán hàng, mở rộng tập khách hàng và phân phối đến các thị trường tiềm năng; giúp DN gia tăng trải nghiệm khách hàng và thiết kế, sáng tạo ra các sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu thị hiếu khách hàng. Đặc biệt, chuyển đổi số giúp các DN tối ưu chi phí vận hành, nhất là chi phí nhân sự; giúp tăng hiệu suất kinh doanh và sản xuất của DN, từ đó tăng năng lực cạnh tranh và tỷ suất lợi nhuận; hỗ trợ đưa ra các phân tích chính xác và kịp thời nhằm rút ngắn thời gian

 

đưa ra các quyết định kinh doanh. Hiện nay Quảng Nam đang gợi mở nhiều cơ chế chính sách để phát triển dự án khởi nghiệp sáng tạo, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản và sản phẩm OCOP. Và với lợi ích to lớn của chuyển đổi số mang lại sẽ góp phần tháo gở rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, hộ sản xuất.

Thử đặt ra bài toán kinh tế như thế này, nếu như trước đây các sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc sản và sản phẩm OCOP sản xuất ra cần rất nhiều khâu trung gian như lưu thông, phân phối, liên kết đại lý trưng bày sẽ tốn rất nhiều chi phí và thời gian, giá cả sản phẩm tăng cao, thậm chí ảnh hưởng đến thời hạn sử dụng của một số mặt hàng đặc thù. Nhưng nay, với sức mạnh của kinh tế số, các chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh chỉ cần đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giao thương. Khách hàng ngồi nhà có nhu cầu mua sắm chỉ cần đặt lệnh chọn sản phẩm tương ứng. Khi đó nhà sản xuất, thông qua các dịch vụ chuyển phát, sẽ nhanh chóng đưa sản phẩm đến tay khách hàng một cách gọn nhẹ, tiết kiệm được nhiều khoản chi phí để đảm bảo cho sản phẩm tăng tính cạnh tranh.

 

Ảnh: Lãnh đạo tỉnh đối thoại tại hội thảo

 

Theo thống kê của tỉnh, có 8.341 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, đến nay có 670 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh. Hiện toàn tỉnh có hơn 400 nhà cung cấp với gần 2.000 sản phẩm tham gia các sàn thương mại điện tử. Từ đầu năm đến nay, riêng sàn Postmart, các doanh nghiệp ở tỉnh đã tiêu thụ được

 

hơn 35 tấn nông sản. Tỉnh cũng dành hơn 24,7 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước đầu tư cho chính quyền số.

Hội thảo cũng thu hút đại diện Bưu điện Quảng Nam, VNPT Quảng Nam, Mobifone Quảng Nam,  Công ty CP MISA tại Đà Nẵng tham gia chia sẻ các giải pháp chuyển đổi số, giải pháp quản trị tài chính, giải pháp kết nối tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử để hỗ trợ DN địa phương phát triển. Theo đại diện của VNPT, hiệu quả của việc áp dụng công nghệ số vào kinh doanh được nhìn thấy rõ nhất chính là khâu làm hợp đồng. So sánh việc xử lý hợp đồng giấy và hợp đồng điện tử có sự chênh lệch về giá trị rất lớn, lên đến 5 lần. Tổng chí phí cho in ấn, quản lý, lưu trữ, vận chuyển cho một hợp đồng giấy vào khoảng 50.000-110.000 đồng, nhưng con số này được giảm xuống 10.000-20.000 đồng nếu áp dụng hợp đồng điện tử. Cùng với đó, thời gian xử lý từ 2-10 ngày cho hợp đồng giấy sẽ giảm xuống còn 2-4 giờ cho hợp đồng điện tử. Lợi ích kinh tế quá rõ ràng.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến nói rằng, đại dịch Covid-19 đã khiến hầu hết DN chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khó khăn đó, nhu cầu chuyển đổi số trở nên cấp thiết để các DN đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, tìm kiếm thêm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.

Đại diện Sở TT&TT Quảng Nam khẳng định tại hội thảo, nhờ công nghệ số, các doanh nghiệp giảm được 30% cước vận chuyển. Vậy tại sao nhiều doanh nghiệp, hộ sản xuất vẫn còn ngại ngùng? Phải chăng là băn khoăn về chi phí đầu tư, việc thay đổi thói quen, tập quán kinh doanh; nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số hay là thiếu cơ sở hạ tầng, thông tin về công nghệ số...

Tháo gỡ những trăn trở này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định: “Thời gian tới, các ngành liên quan và chính quyền các cấp cần xác định rõ mục tiêu chuyển đổi số đối với các DN, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ cá thể hoạt động trên lĩnh vực sản xuất - kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP. Từ đó, xây dựng bài bản kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao nhất. Chính quyền Quảng Nam cam kết đồng hành, tiếp sức các tập đoàn, DN, hợp tác xã, tổ hợp tác,… trong quá trình chuyển đổi số”./.

Tác giả: P.T

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: