Chi tiết tin

A+ | A | A-

Thăng Bình triển khai thí điểm chuyển đổi số xã Bình Đào và xã Bình Chánh đến năm 2023

Ngày đăng: 14:40 | 30/06/2022 Lượt xem: 203

UBND huyện Thăng Bình vừa có Kế hoạch 1154/KH-UBND về triển khai thí điểm chuyển đổi số xã Bình Đào và xã Bình Chánh đến năm 2023.

Hệ thống truyền thanh IP giúp các địa phương triển khai kịp thời mọi chủ trương, chính sách đến người dân.

 

Mục tiêu đến hết năm 2023, xã Bình Đào và xã Bình Chánh đạt tiêu chí xã thông minh theo đề án xây dựng xã thông minh của UBND tỉnh Quảng Nam.

Mục tiêu cụ thể thực hiện năm 2022, thiết lập hạ tầng viễn thông trên địa bàn 02 xã đảm bảo 100% các thôn được phủ sóng 3G, 4G và có hạ tầng internet băng rộng cố định. Triển khai đường truyền dữ liệu số chuyên dụng kết hợp tín hiệu internet, nâng cấp hệ thống mạng Lan trạm y tế, hệ thống mạng wifi công cộng để người dân sử dụng khi đến làm việc tại đơn vị hành chính các xã và tại các nhà văn hóa thôn.

Bổ sung, nâng cấp các thiết bị CNTT như máy vi tính, máy in, máy scan, máy photocopy cho đội ngũ cán bộ công chức tại UBND xã, trạm y tế xã, nhà văn hóa thôn. Xây dựng hệ thống camera giám sát an ninh tại các tuyến đường chính, khu dân cư và những nơi trọng yếu.

Tổ chức đào tạo tập huấn cho cán bộ công chức cấp xã và người dân để nâng cao trình độ công nghệ thông tin. Biết cài đặt và sử dụng thành thạo các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, các phần mềm và ứng dụng thông minh.

Triển khai các ứng dụng CNTT phục vụ chính quyền số: 100% cán bộ, công chức sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản điều hành công việc (QOffice), phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công và 100% hồ sơ tiếp nhận, xử lý được cập nhật trên phần mềm, sử dụng email công vụ. Có phát sinh hồ sơ đối với các thủ tục hành chính dịch vụ công mức độ 3, 4 (tối thiểu 30%). 100% lãnh đạo xã sử dụng chứng thư số chuyên dùng.

Mục tiêu cụ thể thực hiện năm 2023, phổ cập điện thoại thông minh và internet 4G, internet băng rộng cố định cho người dân thông qua các chính sách ưu đãi từ các doanh nghiệp viễn thông để người dân dễ tiếp cận. Xây dựng hệ thống đèn năng lượng chiếu sáng thông minh tại các tuyến đường chính và khu dân cư của xã. Tổ chức công tác thông tin tuyên truyền về chuyển đổi số cấp xã sâu rộng đến các tổ chức và cá nhân trên địa bàn các xã, tạo sự đồng thuận và sự tham gia đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Thiết lập kênh giao tiếp, tương tác giữa người dân và doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích. Thiết lập kênh giao tiếp chính thức trên các mạng xã hội của Việt Nam (Zalo, Mocha, Lotus, Gapo,…), ứng dụng Smart Quảng Nam để tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân trong xã và giao tiếp, tiếp nhận các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Xây dựng hệ thống thương mại điện tử: Tổ chức đào tạo, tập huấn và hướng dẫn người dân tham gia vào hệ thống thương mại điện tử, từng bước đưa các sản phẩm OCOP của xã và sản phẩm của người dân được bán trên các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.... Quảng bá thương hiệu địa phương như các sản phẩm đặc trưng vùng miền, các di tích văn hóa lịch sử, các nét văn hóa đặc trưng trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội...

Triển khai các dịch vụ y tế thông minh, giáo dục thông minh, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh dựa trên nền tảng số do Trung ương và Tỉnh triển khai.

Nội dung chuyển đổi số tại xã Bình Đào và xã Bình Chánh tập trung vào 5 nhóm hoạt động chính gồm: xây dựng hạ tầng số, chính quyền số; giao tiếp với người dân; thương mại điện tử; quảng bá thương hiệu địa phương và các dịch vụ thông minh. Trong đó: Chính quyền xã, Công chức xã là những người tiên phong trong việc thay đổi cách thức quản lý, phục vụ và giao tiếp với người dân thông qua ứng dụng các phần mềm dùng chung với cấp huyện, cấp tỉnh (phần mềm quản lý văn bản có ứng dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử liên thông 4 cấp, hệ thống thư điện tử, hệ thống một cửa điện tử,...).

Nâng cấp Cổng thông tin điện tử của xã để cung cấp thông tin về các hoạt động của chính quyền xã, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và quảng bá về hình ảnh, các nét văn hóa đặc trưng của xã. Cán bộ, công chức xã tăng cường sử dụng công nghệ số trong công việc, giao tiếp với người dân thông qua các phương tiện truyền thông số, mạng xã hội của Việt Nam,…

Người dân là những người trực tiếp hưởng thụ các dịch vụ của chính quyền, trực tiếp tham gia và làm thay đổi cách thức quảng bá, tiếp thị, mua bán và phân phối hàng hóa theo cách truyền thống trước đây bằng việc ứng dụng công nghệ số. Du khách, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã là những đối tượng thụ hưởng dịch vụ và cũng tham gia vào quá trình giao dịch với người dân và chính quyền thông qua các công nghệ số.

Tác giả: Phương Thuận

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: