Quang cảnh buổi làm việc.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, ngay từ đầu năm 2022, Sở TN&MT ban hành Kế hoạch số 193/KH-STNMT ngày 24/01/2022 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-HĐND về Đề án “Phát triển ứng dụng Công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022-2025 của Sở Tài nguyên và Môi trường; Kế hoạch 376/KH-STNMT ngày 22/02/2022 về Số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở giai đoạn 2021-2025 nhằm tập trung phát triển hạ tầng số, tạo lập dữ liệu cung cấp dịch vụ công trực tuyến, quản lý giao dịch điện tử hồ sơ đất đai, liên thông điện tử với dịch vụ công tỉnh và thuế....
Hiện nay Sở Tài nguyên và Môi trường đã tiếp tục vận hành chỉnh lý biến động cơ sở dữ liệu địa chính 48 xã, phường/5 huyện, thành phố trên phần mềm TMV LIS bao gồm: Thành phố Tam Kỳ (13 xã, phường); huyện Núi Thành (17 xã, thị trấn); huyện Thăng Bình (11 xã: Bình Dương, Bình Đào, Bình Hải, Bình Sa, Bình Minh và Bình Nam, Bình Giang, Bình Phục, Bình Tú, Bình Trung, Bình Triều); huyện Quế Sơn (01 thị trấn Hương An), huyện Duy Xuyên (06 xã: Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Phước, Nam Phước, Duy Thành và Duy Vinh).
Quản lý thông tin về môi trường trên địa bàn tỉnh, cung cấp các hồ sơ thông tin, báo cáo bao gồm: đánh giá tác động môi trường, thanh tra kiểm tra môi trường, quản lý thu phí bảo vệ môi trường, đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại.
Dữ liệu từ các trạm quan trắc về tài nguyên và môi trường, bao gồm: Số liệu quan trắc tự động (online); kết quả quan trắc thụ động, quan trắc định kỳ (offline).
Xây dựng và triển khai phân hệ “Quản lý giao dịch điện tử hồ sơ đất đai” thuộc Hệ thống thông tin đất đai (LIS) liên thông với cơ quan Thuế và một cửa Dịch vụ công cấp huyện trong thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân; tích hợp dịch vụ thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Theo đó, ngày 01/6/2022 Văn phòng Đăng ký Đất đai ban hành Kế hoạch số 453/KH-VPĐKĐĐ về đào tạo Phần mềm quản lý giao dịch điện tử hồ sơ đất đai trên địa bàn thành phố Tam Kỳ. Đã triển khai phân hệ “Quản lý giao dịch điện tử hồ sơ đất đai” tại 3 huyện: Tam Kỳ, Phú Ninh, Hiệp Đức.
Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông điều chỉnh, bổ sung và loại bỏ một số TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Sở Tài nguyên và Môi trường được ban hành tại Quyết định số 94/QĐ-STTTT ngày 27/4/2022 của Sở Thông tin và Truyền thông về việc công bố mức độ dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh phê duyệt danh mục dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Tại cuộc họp, Sở TN&MT đã nêu lên những vướng mắc khi triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số như: Hạ tầng chủ yếu được trang bị bởi các dự án với nhiều năm khác nhau, hàng năm không được cung cấp kinh phí bảo trì bảo dưỡng hệ thống thông tin ngành TN&MT. Kinh phí nâng cấp hệ thống đang vận hành tại Sở hầu như không có. Thiết bị hạ tầng CNTT đầu tư từ năm 2013 đến nay đã lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin. Cán bộ chuyên trách CNTT còn hạn chế về số lượng, chủ yếu mang tính chất kiêm nhiệm, trình độ sử dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế nhất định. Một số phần mềm thiếu đồng bộ, khai thác thiếu hiệu quả do phần mềm và phần mềm gốc được đầu tư thông qua các dự án các giai đoạn khác nhau nhưng không được nâng cấp kịp thời.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hồ Quang Bửu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị ngành TN&MT cần mạnh mẽ quyết liệt hơn trong công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh về tình hình cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh để có văn bản đốc thúc các địa phương triển khai thực hiện, khẩn trương đưa dữ liệu về quan trắc lên Trung tâm điều hành thông minh IOC tỉnh, Smart Quảng Nam, Egov Quảng Nam;… Về các vướng mắc, Sở cần tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết.