Chi tiết tin

A+ | A | A-

Kho bạc Nhà nước - một bộ phận quan trọng trong hệ thống quản lý tài chính công và chiến lược đến năm 2030

Ngày đăng: 14:32 | 04/05/2022 Lượt xem: 334

Ngày 13 /4/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 455/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030. Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2025, ngành Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng Kho bạc số; cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Ảnh minh họa.

 

Phát triển hệ thống Kho bạc Nhà nước hiện đại, góp phần khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính nhà nước; hình thành phương thức quản trị hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho ngân sách nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính Quốc gia; đồng thời thực hiện tốt chức năng Tổng kế toán nhà nước, tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, kết nối liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành tài chính, cơ sở dữ liệu quốc gia, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

         

Mục tiêu tại Quyết định số 455/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 là: Đến năm 2025, hoàn thành nền tảng Kho bạc số; liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách nhà nước; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo hướng kiểm soát rủi ro; kết quả dự báo luồng tiền của ngân quỹ nhà nước chênh lệch không quá 10% so với thực tế. Đến năm 2030, kết quả dự báo luồng tiền chênh lệch không quá 5% so với thực tế và số dư ngân quỹ nhà nước nhàn rỗi cuối ngày bình quân không vượt quá số chi ngân quỹ nhà nước bình quân 01 đến 02 ngày.

         

Phấn đấu kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt từ 9 - 11 năm, lãi suất và chi phí phát hành hợp lý, góp phần cơ cấu lại, tăng tính an toàn, bền vững nợ công. Cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) phù hợp với chuẩn mực kế toán công, để phục vụ tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời nâng cao hoạt động kiểm tra, giám sát, nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính nhà nước.

         

Trước năm 2025, chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng các điều kiện về cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin để đến năm 2030, cơ bản hoàn thành sắp xếp tổ chức bộ máy theo mô hình Kho bạc 02 cấp (tại Trung ương là cấp xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức điều hành; tại địa phương đơn vị Kho bạc trực thuộc là cấp thực hiện), giảm được ít nhất 15% biên chế so với năm 2020.

         

Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

         

Thực hiện liên thông dữ liệu số về các khoản thu NSNN giữa KBNN – Thuế - Hải quan – các cơ quan liên quan. Mở rộng sự tham gia của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và đa dạng hóa các phương thức thanh toán điện tử trong công tác thu NSNN.

Cung cấp đầy đủ thông tin cam kết chi NSNN phục vụ cho việc lập, phân bổ và thực hiện kế hoạch ngân sách trung hạn, hàng năm theo thông lệ quốc tế. Đổi mới phương thức kiểm soát chi NSNN từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” , gắn với việc tăng cường phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách và tương ứng với mức độ phát triển chức năng kiểm toán nội bộ tại các Bộ, ngành, địa phương, đi đôi với việc kiểm soát rủi ro, tăng cường thanh tra, kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Thực hiện phát hành và quản lý danh mục trái phiếu Chính phủ chủ động, hiệu quả, nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và đảm bảo các cân đối lớn; phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thu của nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí.

Cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và thu, chi của các quỹ tài chính nhà nước qua tài khoản thanh toán tập trung của KBNN, đảm bảo minh bạch, hiệu quả. Hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán số Quốc gia, đáp ứng yêu cầu thanh toán thông suốt của Chính phủ. Gắn kết chặt chẽ giữa quản lý ngân quỹ nhà nước với quản lý ngân sách và quản lý nợ, nhằm giảm chi phí và rủi ro nợ vay, tăng cường tính hiệu quả, an toàn, bền vững của hệ thống quản lý tài chính công và nâng cao dư địa tài khóa (không gian tài khóa)

         

Từng bước thống nhất nguyên tắc kế toán trong khu vực nhà nước; ưu tiên thống nhất hệ thống tổ hợp tài khoản, đáp ứng yêu cầu tổng hợp thông tin, báo cáo của các cấp chính quyền và các cơ quan, đơn vị. Xây dựng cơ sở dữ liệu kế toán tổng hợp cho toàn bộ khu vực nhà nước trên cơ sở liên thông và thu thập dữ liệu kế toán tại tất cả các đơn vị kế toán nhà nước, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về tài chính Quốc gia.

Ngoài ra, KBNN tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 từng bước hình thành “Kho bạc số”; chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ Kho bạc sang phương thức vừa quản lý, vừa phục vụ và cung cấp dịch vụ; hiện đại hóa công tác thanh tra – kiểm tra và triển khai kiểm toán nội bộ, …

         

Các cấp, ngành, các đơn vị cần nắm bắt về ý nghĩa, vai trò, nội dung và tầm quan trọng của quá trình cải cách, hiện đại hóa hệ thống Kho bạc Nhà nước, tạo sự thống nhất và đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030”./.

Tác giả: Nguyễn Quốc Tùng

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: