Chi tiết tin

A+ | A | A-

Kế thừa quá khứ, mở ra tương lai, phát huy giá trị 10 chữ vàng truyền thống của ngành TT&TT

Ngày đăng: 14:34 | 29/08/2024 Lượt xem: 39

Nhân Kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống ngành Thông tin và Truyền thông (28/8/1945 – 28/8/2024), sáng ngày 28/8/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã có buổi trò chuyện, trao đổi với toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Bộ TT&TT về truyền thống, lịch sử của Ngành và những cơ hội, thách thức, sứ mệnh, nhiệm vụ của Ngành trong kỷ nguyên số.

 

Sự kiện: 79 năm Ngày Truyền thống ngành TT&TT.

Cùng dự buổi trò chuyện của Bộ trưởng, có các Thứ trưởng và lãnh đạo quản lý các cấp của Bộ, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ ở ba miền Bắc, Trung, Nam. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 8 điểm cầu.

Tại buổi trò chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức các buổi đối thoại thường niên giữa lãnh đạo Bộ và cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ. Theo Bộ trưởng, đó là dịp để lãnh đạo Bộ lắng nghe những băn khoăn, trăn trở của họ trong công việc.

Kế thừa quá khứ, mở ra tương lai, phát huy giá trị 10 chữ vàng truyền thống của ngành TT&TT - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Thay đổi cách tiếp cận, thay đổi góc nhìn để biến việc khó thành việc dễ"

Bộ trưởng khuyến khích lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ cũng có các cuộc đối thoại như vậy ít nhất một lần một năm trong đơn vị của mình để nắm được tâm tư, trăn trở của cán bộ, làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong đơn vị mình trở nên gần gũi, thân thiết hơn. Do COVID-19 nên các hoạt động này bị gián đoạn trong vài năm qua, việc tổ chức lại các buổi đối thoại như vậy là rất cần thiết, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Phát huy giá trị 10 chữ vàng truyền thống của ngành TT&TT

Mở đầu buổi nói chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh 10 chữ vàng truyền thống của ngành "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình" là di sản quý báu mà cha anh đã để lại, tạo nên bản sắc của Bộ mình, ngành mình. Chúng ta cần kế thừa, coi đây là hành trang để không làm mất đi cội nguồn của mình, đồng thời ở mỗi giai đoạn phát triển cần tạo thêm nội hàm mới cho 10 chữ này.

Bộ trưởng chỉ rõ, nếu không thổi hồn, tiếp thêm nội hàm mới cho "10 chữ vàng" thì giá trị đó không còn sinh khí. Mặc dù thời đại thay đổi nhưng giá trị của 10 chữ vàng vẫn còn nguyên vẹn, song để phát triển, các giá trị này cần được cập nhật để phù hợp với bối cảnh mới.

Trung thành: Là trung thành với lý tưởng, với sự nghiệp đổi mới của Bộ TT&TT. Dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy thì vẫn đi theo lý tưởng ấy, sự nghiệp ấy, vẫn mục tiêu ấy và vẫn ngôi sao dẫn lối ấy. Trung thành còn là trung thành với tổ chức, đơn vị mình, gặp khó khăn thì chung tay cùng làm chứ không rời bỏ.

Kế thừa quá khứ, mở ra tương lai, phát huy giá trị 10 chữ vàng truyền thống của ngành TT&TT - Ảnh 2.

Buổi nói chuyện của Bộ trưởng được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với 8 điểm cầu.

Dũng cảm: Là dám nói suy nghĩ của mình, dám nhận việc mới mà làm, dám đặt mục tiêu cao, dám chấp nhận thách thức, dám đi xuyên qua khó khăn thay vì né tránh. Dũng cảm là khi gặp sự cố, tai nạn thì không đổ vấy sang đồng nghiệp, dám chịu trách nhiệm, khi thất bại thì đứng dậy làm tiếp, thử sai nhiều lần để tìm sự thành công. Dũng cảm chung quy là một chữ "Dám".

Tận tụy: Là làm việc gì cũng hết mình, không quản ngày đêm; là sự cống hiến, phụng sự và hy sinh. Tận tụy thể hiện ở chỗ khi làm việc, khi phục vụ thì chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất.

Sáng tạo: Là luôn tìm cách tiếp cận mới, cách làm mới. Sáng tạo chính là đổi mới. Sáng tạo sẽ tạo ra sức sống cho một tổ chức. Sáng tạo ở giai đoạn này là sự sáng tạo dựa trên công nghệ số, chuyển đổi số. Sáng tạo là để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay dù chỉ là một chút nhỏ 1%. Như vậy, một năm ta đã tốt lên gấp 37 lần so với năm trước.

Nghĩa tình: Là sự biết ơn, là có trước có sau. Muốn nghĩa tình thì đầu tiên là phải làm cho tổ chức mà cha anh đã xây dựng nên phát triển hơn, có được những vinh quang lớn hơn, giống như con sông thì có cội, có nguồn nhưng phải chảy ra biển lớn. Thế hệ sau phải có những ước mơ to hơn, phải làm tốt hơn để tạo ra dòng chảy liên tục vì điều kiện của mình tốt hơn thế hệ cha anh rất nhiều. Đó là lời cảm ơn thiết thực nhất với thế hệ trước.

Cũng theo Bộ trưởng, nghĩa tình tạo nên sự liên kết giữa các thế hệ. Bộ đã lên kế hoạch tôn tạo lại các bảo tàng và nhà truyền thống của Ngành trên cả nước. Đây không chỉ là sự tri ân đối với các thế hệ đi trước, mà còn là cách để chúng ta tiếp nối quá khứ, phát huy truyền thống, vì lịch sử là một dòng chảy liên tục.

Thay đổi cách tiếp cận, thay đổi góc nhìn để biến việc khó thành việc dễ

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, người ở vị trí lãnh đạo một ngành, một đơn vị thì phải thay đổi góc nhìn, thay đổi cách tiếp cận nhằm tạo ra sự bứt phá, biến việc khó thành việc dễ, việc bất khả thi thành việc khả thi.

Đối với sự kiện Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông vừa thành lập Khoa Trí tuệ nhân tạo (AI), có những băn khoăn về nguồn giáo viên giỏi, về nhiều vấn đề còn ngổn ngang khác. Về nguồn lực giáo viên, mình cần giáo viên, tức là cần tri thức của họ, "hồn" của họ, không cần sự hiện diện vật lý của họ. Tiếp cận từ góc độ đó thì thấy vấn đề dễ hơn nhiều, là tìm ra giải pháp. Những giáo viên, giáo sư xuất sắc thì bài giảng, video, thuyết trình của họ chính là hồn cốt của họ.

Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật rất nhiều và sẽ ngày càng nhiều. Cán bộ viên chức gặp nhiều khó khăn vì không thể biết hết được, không biết mình có hiểu đúng hay không. Giải pháp chính là giao cho AI làm, cứ cái gì nhiều dữ liệu, nhiều thông tin thì AI làm rất tốt. Như vậy, việc trở nên dễ hơn nhiều.

Liên quan đến Chiến lược quốc gia về phát triển bán dẫn mà Bộ đang xây dựng, Bộ đã chọn một cách tiếp cận khác biệt, đó là lần đầu tiên đưa công thức vào Chiến lược của ngành, đó là: C = SET + 1. Với cách tiếp cận khác biệt này của Việt Nam sẽ xuất hiện một mô hình kinh doanh mới của ngành bán dẫn toàn cầu.

Tiếp tục phương châm hành động 8 chữ "Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá"

Bộ trưởng nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển bứt phá, đổi mới sáng tạo và tầm quan trọng của việc duy trì kỷ cương và tập trung vào những mục tiêu trọng tâm để đạt được hiệu quả cao nhất trong hoạt động quản lý và trong công việc theo phương châm hành động 8 chữ "Làm gương - Kỷ cương - Trọng tâm - Bứt phá".

Làm gương: Là phương châm chính của người lãnh đạo. Làm lãnh đạo là nói trước, làm trước, dẫn mọi người theo. Mình có tin thì mới lan tỏa được niềm tin ấy tới người khác. Mình có làm thì người dưới mới làm. Làm gương cũng là 1 trong 5 phương thức lãnh đạo của Đảng ta.

Kế thừa quá khứ, mở ra tương lai, phát huy giá trị 10 chữ vàng truyền thống của ngành TT&TT - Ảnh 3.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "10 chữ vàng truyền thống của ngành "Trung thành - Dũng cảm - Tận tụy - Sáng tạo - Nghĩa tình" là di sản quý báu mà cha anh đã để lại, tạo nên bản sắc của Bộ mình, ngành mình"

Kỷ cương: Là sự tuân thủ của tất cả mọi người ở tất cả các cấp, ở tất cả các công việc. Không có kỷ cương thì tổ chức không thể hoàn thành bất cứ việc gì. Kỷ cương là sức mạnh của một tổ chức. Tổ chức mà mất kỷ cương sẽ không làm được gì.

Trọng tâm: Là tìm ra cái chính. Cái chính chiếm 10-20% nhưng quyết định tới 80-90%. Tìm ra cái chính là việc đầu tiên và nhiều khi là việc khó nhất. Với nguồn lực hạn chế như Bộ ta mà không tìm ra cái chính để tập trung thực hiện thì việc sẽ không thành hoặc thành thì cũng chỉ ở mức trung bình.

Bứt phá: Là tìm ra cách tiếp cận độc đáo để tạo ra sự phát triển đột phá. Không phát triển bứt phá thì sẽ không thay đổi được thứ hạng quốc gia. Việt Nam sẽ không thể vươn lên thành nước phát triển.

Tại buổi trò chuyện, Bộ trưởng cũng chia sẻ về một số chủ trương của Bộ về luân chuyển cán bộ, về giảm tải công việc cho cán bộ công chức.

Trong công tác luân chuyển cán bộ, Bộ TT&TT là Bộ luân chuyển cán bộ đi địa phương nhiều nhất. Trong 5 năm qua, Bộ đã luân chuyển 14 cán bộ đi các địa phương, bộ, ngành khác. Tất cả các cán bộ này sau khi được luân chuyển đều trưởng thành, tư duy mở rộng. Do đó, luân chuyển cán bộ chính là để phát triển, tạo ra năng lượng mới.

Bộ TT&TT đang rất chú trọng việc giảm tải cho người lao động. Mỗi năm Bộ nhận được 8000 báo cáo từ Sở gửi lên. Mới đây, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đã chỉ đạo Văn phòng Bộ 1 năm chỉ yêu cầu Sở báo cáo về Bộ 800 báo cáo, chỉ điền số, không phải viết báo cáo, như vậy giảm tải 10 lần cho cả Sở và Bộ. Có cơ sở dữ liệu đó rồi, các Cục, Vụ, Bộ muốn làm báo cáo gửi lên cấp trên thì tự làm, không yêu cầu Sở báo cáo nữa.

Trả lời trực tiếp các câu hỏi đến từ cán bộ, viên chức trong Bộ

Cũng tại buổi trò chuyện, Bộ trưởng đã trả lời trực tiếp một số câu hỏi của cán bộ công chức, viên chức về những nội dung như: Cách xử lý với lượng thông tin khổng lồ tiếp nhận hàng ngày, đặc biệt là rác thông tin? Vai trò của sự đổi mới trong tổ chức? Trợ lý ảo có đáng tin cậy? AI có thay đổi nghề nhà giáo? Ứng dụng AI thế nào để Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trở thành đại học hàng đầu?

Với câu hỏi làm thế nào để Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trở thành đại học hàng đầu, Bộ trưởng khẳng định, muốn dẫn dắt, muốn đi đầu, muốn xuất sắc thì phải tạo sự khác biệt, phải làm việc mới.

Học viện trong thời gian qua đã khẳng định được mình, đã đi đầu trong một số lĩnh vực. Là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam có khoa Fintech. Cũng là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đào tạo đại học cho công nhân. Người công nhân có thể vừa đi làm, vừa đi học, thi, học, thực tập đều online. Sau 4-5 năm, có được tấm bằng đại học giúp thay đổi cuộc đời của họ, số phận của họ. Đây là một sáng kiến rất nhân văn. Đồng thời, cũng là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam ký hợp tác với đại học số ở nước ngoài.

Kết thúc buổi nói chuyện, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ tin tưởng các cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ luôn đoàn kết, tận tuỵ, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ, đồng thời có niềm vui, niềm đam mê trong công việc. Lãnh đạo các đơn vị có nhiệm vụ tạo ra được không khí ở cơ quan như một ngôi nhà thứ hai để cán bộ có tình yêu với đơn vị, với tổ chức của mình, từ đó làm tốt công việc, nhiệm vụ hàng ngày.

Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh vai trò, sứ mệnh quan trọng của Bộ TT&TT: Tạo thành đôi cánh để Việt Nam bay lên, một bên cánh tạo nên sức mạnh tinh thần do báo chí khơi dậy khát vọng hùng cường, niềm tin và đồng thuận của xã hội và bên cánh còn lại là sức mạnh vật chất được tạo nên bởi công nghệ./.

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: