Chi tiết tin

A+ | A | A-

Cà Mau: Lấy người dân làm trung tâm để phục vụ trong chuyển đổi số

Ngày đăng: 14:22 | 01/12 Lượt xem: 171

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, những năm qua, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, qua đó góp phần, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

 

chuyen-doi-so-ca-mau20220923212706.jpg

Ảnh minh họa

Tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp

Với phương châm “Lấy người dân làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực của chuyển đổi số”, năm 2022 tỉnh Cà Mau đã triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển, đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Cụ thể, ngày 14/7/2022 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 1929/QĐ-UBND ngày 1/8/2022 ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương về triển khai thực hiện việc đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cung ứng dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường cung ứng các dịch vụ công trực tuyến.

Việc lấy người dân làm trung tâm để phục vụ trong chuyển đổi số là mục tiêu bao trùm của đề án chuyển đổi số của tỉnh Cà Mau. Trong đó, sẽ tối ưu hóa hệ thống thông tin thủ tục hành chính của tỉnh hướng đến người dùng, tạo thuận lợi cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Cà Mau cho biết: Với việc mạnh dạn áp dụng những giải pháp công nghệ thông tin vào thực thi giải quyết thủ tục hành chính như: Áp dụng các loại giấy tờ, phiếu tiếp nhận hồ sơ có gắn mã QR; Vận hành có hiệu quả các kênh truyền thông trong hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính như Zalo hành chính công; Tổng đài hỗ trợ hành chính công tự động 19009496, Tổng đài giải đáp thắc mắc trực tiếp 1022...đã giúp cho việc kết nối và khai thác các dịch vụ, phục vụ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn hết sức thuận lợi trong thực hiện, tra cứu, theo dõi tiến độ giải quyết thủ tục hành chính. Việc giải quyết trong lĩnh vực thủ tục hành chính được ứng dụng công nghệ thông tin và xử lý trên môi trường mạng đã góp phần giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí, thời gian của người dân và doanh nghiệp

Hiện nay, tỉnh Cà Mau cũng đã hoàn thiện Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung, duy nhất một đầu mối theo quy định. Tỉnh đang được thiết lập gồm 3 hợp phần được chuẩn hóa thành các dịch vụ tiêu chuẩn gồm: Các nghiệp vụ và ứng dụng cung cấp cho người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức; Ứng dụng và dịch vụ nội bộ (backend); Ứng dụng tương tác thuộc hệ sinh thái thực thi giải quyết thủ tục hành chính theo xu hướng chuyển đổi số.

Trong đó, các ứng dụng nghiệp vụ nội bộ đã gắn kết chặt chẽ với phần mềm xử lý công việc (hệ thống văn bản chỉ đạo và điều hành của tỉnh) phục vụ tốt khâu liên thông văn bản và số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Các ứng dụng nền tảng trên các thiết bị thông minh như: Ứng dụng giải quyết thủ tục hành chính qua thiết bị di động (Mobile App), Ứng dụng hệ sinh thái tự động hóa quy trình giải quyết thủ tục hành chính qua Kiosk thông minh... cũng được tỉnh đưa vào áp dụng phục vụ công tác giải quyết thủ tục hành chính.

Đến nay, số thủ tục hành chính đang thực hiện tại các cấp trên địa bàn tỉnh là 1.984 thủ tục, trong đó: Cấp tỉnh là 1.506 thủ tục, cấp huyện là 315 thủ tục và cấp xã là 163 thủ tục. Hiện 100% thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4 là hoàn toàn đủ điều kiện thực hiện và sát thực tế.

Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh

Chuyển đổi số hiện được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt và đồng bộ trong hoạt động của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị. Mục tiêu phấn đấu chuyển đổi số của tỉnh Cà Mau đến năm 2025 là cơ bản hoàn thành số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội; Đến năm 2030, số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của tỉnh; Phấn đấu Cà Mau là một trong những tỉnh, thành phố chuyển đổi số thành công của cả nước.

Để thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra, tỉnh Cà Mau đã tăng cường thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước từ tỉnh đến cơ sở; Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy quá trình chuyển đổi số; Chuyển đổi số trong cả hệ thống chính trị bao gồm cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Phát triển kinh tế số, xã hội số; Đảm bảo an toàn thông tin mạng và an ninh mạng,…

Đồng thời, tỉnh Cà Mau cũng ưu tiên chuyển đổi số ở các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, thương mại, du lịch, giao thông vận tải, tài chính – ngân hàng, y tế, giáo dục, lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh: “Chuyển đổi số đang mở ra nhiều cơ hội, là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các địa phương, tổ chức và cá nhân, nhất là tác động ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh cũng đang nghiên cứu, xác định các điểm đột phá, những công việc cần triển khai để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới”.

Với quan điểm chính quyền phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong thời gian tới các cấp, các ngành sẽ quyết tâm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi số phục vụ người dân, Bộ phận một cửa các cấp sẽ là nòng cốt, là trung tâm chuyển đổi số phục vụ người dân tốt hơn.

 

Nguồn tin: mic.gov.vn

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: